Bà Rịa - Vũng Tàu: Chiến thắng Bình Giã - Mốc son lịch sử

16:26 | 27/11/2024

109 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày giữa tháng 11-2024, tham dự chương trình giao lưu “Chiến thắng Bình Giã - Mốc son lịch sử” do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức, chúng tôi đã được nghe kể về những đóng góp, chiến công của bộ đội địa phương trong cuộc chiến có ý nghĩa lịch sử. Chiến dịch Bình Giã đã huy động sức mạnh toàn dân, mở màn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bà Rịa - Vũng Tàu: Chiến thắng Bình Giã - Mốc son lịch sử
Thế hệ trẻ tự hào về Chiến thắng Bình Giã oanh liệt, sẵn sàng kế thừa sự nghiệp ông cha trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Mốc son chói lọi, hào hùng

Chia sẻ tại chương trình giao lưu kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2/12/1964 - 2/12/2024), ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, cách đây 60 năm, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền chủ trương mở chiến dịch tác chiến tập trung đầu tiên trên địa bàn Đông Nam Bộ và Bình Giã - Đức Thạnh thuộc tỉnh Bà Rịa lúc bấy giờ được chọn làm hướng chính.

Chiến thắng vang dội trong chiến dịch tạo ra thế và lực mới, bước phát triển mạnh mẽ cho chiến tranh cách mạng miền Nam, đồng thời thúc đẩy chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ phá sản nhanh hơn. Như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định: “Từ trận Ấp Bắc Mỹ thấy không thể thắng ta, đến trận Bình Giã thì Mỹ thấy thua ta”.

Chiến dịch đã huy động toàn bộ lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực và phục vụ chiến dịch, tải lương, tải thương, vũ khí. Tỉnh Bà Rịa cũng dồn lực cho công tác hậu cần, nhất là lương thực, thực phẩm, bảo đảm thông suốt giao thông, liên lạc, sẵn sàng các điểm ém quân an toàn, thuận lợi cho bộ đội chủ lực.

“Tất cả đã đem lại một Chiến thắng Bình Giã, được ghi vào lịch sử dân tộc, một mốc son trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Quân và dân tỉnh Bà Rịa, nay là Bà Rịa - Vũng Tàu rất tự hào vì những đóng góp lớn lao làm nên 3 quả đấm thép cho chiến dịch Bình Giã” - ông Đặng Minh Thông khẳng định.

Chiến thắng Bình Giã được ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chiến thắng Bình Giã (1964-1965) đã đi vào lịch sử, có ý nghĩa chiến lược to lớn, ảnh hưởng sâu rộng ở trong và ngoài nước, khẳng định tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, đặc biệt là lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam trong lãnh đạo và tiến hành chiến tranh cách mạng

Ý chí làm nên chiến thắng

Đại tá Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 7 đã kể lại bối cảnh, nguyên nhân cũng như hệ thống lại các mốc lịch sử, kế hoạch trong chiến dịch Bình Giã. Ông Hồ Sơn Đài dành nhiều thời gian để nói về việc vì sao Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền chọn Bà Rịa làm địa bàn mở chiến dịch tác chiến tập trung và Bình Giã là điểm khơi ngòi, từ đó dẫn tới những thắng lợi vẻ vang.

Đặc biệt, 30 nhân chứng lịch sử, đại diện cho hàng ngàn quân và dân tham gia vào cuộc chiến, đã cùng hồi tưởng và chia sẻ về những tháng ngày gian khổ nhưng đầy hào hùng.

Chia sẻ về quyết tâm, ý chí sắt đá được thể hiện trong chiến dịch, Trung tá Nguyễn Văn Xích, nguyên chiến sĩ thông tin Tiểu đoàn 5, Đoàn Q.762 cho biết: “Ngày đó, chúng tôi đều còn rất trẻ. Trẻ mà, xông pha không ngại gì hết, cũng có ước mơ và nung nấu thực hiện ước mơ. Mà thời đó, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, ước mơ chúng tôi hầu hết giống nhau là đất nước hòa bình. Mong có hòa bình thì phải quyết chiến quyết thắng thôi”.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chiến thắng Bình Giã - Mốc son lịch sử
Tượng đài Chiến thắng Bình Giã tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trung úy Lê Tranh (Năm Tranh), nguyên Đội trưởng Đội trinh sát, Đại đội 445, tỉnh đội Bà Rịa; nguyên Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 445 xúc động: “Được lãnh đạo giao nhiệm vụ, tôi thấy đó là vinh dự. Hồi đó tụi tôi tự ái cao lắm, nếu làm không xong thì người ta không coi ra gì. Cho nên tôi điều tra, nghiên cứu kỹ nhiều lần rồi mới dẫn đường, dẫn không chính xác đâu phải mình chết mà còn cả đoàn quân sau mình nữa nên phải cố gắng”.

Đối với ông Bùi Thế Ba (Ba Lèo) nhận nhiệm vụ tải thương từ trận địa ra ngoài, để làm nhiệm vụ này cũng phải có gan, bởi vào tận trận địa khiêng thương binh ra cũng không khác người lính trên chiến trường, bom đạn ù ù trên đầu, phải chấp nhận hy sinh. “Nhiệm vụ của mình là khiêng thương binh mà, làm sao để thương binh không bị thương thêm, không hy sinh thêm”, ông Ba nói.

Bà Nguyễn Thị Phụng, sinh năm 1942, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức chia sẻ: Chủ trương của ta là “vừa đánh vừa xoa” nên vào chiến dịch, bộ đội chủ lực thì cầm súng, còn mình làm công tác tuyên truyền. Đi vận động người dân về thuốc men, lương thực… tiếp tế cho bộ đội, vì có no mới tham gia chiến dịch được. Bà Phụng không nhớ hết số quân địch, xe tăng… mà bộ đội bắn hạ ở mũi tiến công Xuân Sơn, tuy nhiên bà vẫn nhớ khi tham gia trận đầu tiên bộ đội đã bắn hạ 1 trực thăng thuộc Sư đoàn 18, tiêu diệt 2 phi công, thu nhiều vũ khí, bắt sống nhiều tên địch.

Sau chiến dịch Bình Giã, các phong trào thanh niên, phụ nữ, nông dân và chủ lực là lực lượng vũ trang của tỉnh Bà Rịa đã không ngừng lớn mạnh, tổ chức và tham gia nhiều chiến dịch quy mô lớn, hiệu quả chiến đấu cao, đóng góp quan trọng vào thắng lợi chung của Đảng bộ và nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Chiến dịch Bình Giã kéo dài từ cuối tháng 12-1964 đến đầu tháng 1-1965 tại địa bàn Bình Giã, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Đây là một trận đánh lớn giữa lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Sài Gòn dưới sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Kết quả của trận đánh này là thắng lợi hoàn toàn của Quân Giải phóng, khiến hơn 2.000 lính đối phương bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp.

Chiến thắng Bình Giã đã đánh dấu sự sụp đổ của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ tại miền Nam Việt Nam, buộc đối phương phải thay đổi chiến lược, từ đó góp phần tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong toàn bộ cuộc kháng chiến.

Tinh thần của chiến thắng Bình Giã đã trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, sự kiên cường và quyết tâm không khuất phục trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Từ sự đoàn kết của quân và dân, đến sự sáng tạo trong chiến lược chiến thuật, chiến thắng này là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của ý chí và tinh thần quật cường của dân tộc Việt Nam và trở thành mốc son lịch sử của dân tộc nước nhà

Hồng Thắm

  • bidv-14-4
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • banner-pvi-horizontal
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan