Chuyển đổi số quyết định sự sống còn của báo chí
![]() |
Hội thảo khoa học chuyển đổi số báo chí Việt Nam |
Th.S Nguyễn Thu Hòa - VOV4,Đài Tiếng nói Việt Nam: Chuyển đổi từ nhận thức
Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về CĐS khi cho rằng chỉ cần đầu tư thiết bị công nghệ, một số phần mềm, cho đó là đã CĐS; hoặc cho rằng CĐS là giảm bớt sự tập trung vào truyền thông truyền thống, đưa lên online, kiểm soát nội dung, sử dụng các công nghệ kết nối, hay là công nghệ để tác nghiệp như mobile phone… Đúng, nhưng như thế chưa đủ.
CĐS không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Yếu tố cần là lãnh đạo cơ quan báo chí am hiểu về CĐS để giúp quá trình CĐS diễn ra nhanh chóng và thành công; yếu tố đủ là các tòa soạn cần đào tạo đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo môi trường để phóng viên sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược CĐS mà cơ quan báo chí mong muốn.
Một thuận lợi không nhỏ là khi chiến lược CĐS của các cơ quan báo chí được phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các hội nghị phổ biến và triển khai theo hướng xây dựng các nền tảng lớn, để bảo đảm độc lập chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Với tinh thần dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT đã có định hướng cụ thể những vấn đề liên quan đến nền tảng cho quản lý, sản xuất, lưu trữ nội dung. Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong hành trình CĐS.
![]() |
Phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện |
PGS.TS Trương Thị Kiên - Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đào tạo nhân lực cho CĐS
Đến thời điểm hiện nay, báo chí thế giới đã tiến những bước dài trong CĐS. Còn ở Việt Nam, ngay cả một số cơ quan báo chí lớn cũng vẫn đang loay hoay với câu chuyện CĐS như thế nào, kinh phí ở đâu, công nghệ gì, đặc biệt là bài toán về nguồn nhân lực với tư duy CĐS và sự sáng tạo, để nhà báo có thể tự do điều khiển công nghệ, làm cho công nghệ thực sự là phương tiện phục vụ sự thay đổi.
Cần lưu ý rằng, CĐS là sự nghiệp chung của cả hệ thống báo chí, từ cơ quan lãnh đạo, quản lý, đến cơ sở đào tạo, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí; đòi hỏi các cơ quan phải có những cái bắt tay liên kết thật chặt chẽ, tạo nên chiến lược CĐS báo chí ở tầm vĩ mô và vi mô.
Một số cơ quan báo chí lớn đang loay hoay với đề án CĐS. Thách thức đặt ra với họ là thiếu chuyên gia công nghệ lẫn chuyên gia nội dung để hướng dẫn, đào tạo, cũng như không có một mô hình chuẩn để tham khảo, áp dụng.
Để giải quyết bài toán đó, dưới góc độ nghiên cứu và đào tạo, chúng tôi nêu một số gợi ý:
Nhà nước đặt hàng cơ sở đào tạo các đề tài nghiên cứu về CĐS báo chí.
Cơ quan báo chí đặt hàng cơ sở đào tạo báo chí.
Các cơ sở đào tạo chủ động nghiên cứu thay đổi nội dung chương trình đào tạo.
Cơ sở đào tạo báo chí đặt hàng cơ quan báo chí.
Tóm lại, câu chuyện về đào tạo nhân lực cho CĐS báo chí phải được coi là trọng tâm và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
![]() |
Một số báo điện tử của Việt Nam |
Th.S Vũ Hồng Thúy - Báo Pháp luật Việt Nam: Dung hòa giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới
Thời gian vừa qua, nhiều tờ báo vừa và nhỏ (chiếm 90% trong số hơn 800 cơ quan báo chí tại Việt Nam) nhanh chóng bắt tay vào CĐS với kỳ vọng đạt được những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển báo chí đa phương tiện, nhanh chóng khẳng định thứ hạng trên hệ thống báo chí Việt Nam và tăng doanh thu. Nhưng không lâu sau đó, các tờ báo đã không đủ kiên trì tiếp tục đầu tư phát triển báo chí đa phương tiện do không đủ nhân lực, kinh phí và do nguồn thu tăng lên không đáng kể cho với kinh phí bỏ ra.
Quá trình CĐS ở nhiều toà soạn trong thời gian qua cũng cho thấy, phần lớn các nhà báo đã quen với phương thức tác nghiệp cũ, không mấy mặn mà và không theo kịp các yêu cầu của CĐS đặt ra.
Vậy giải pháp nào là tối ưu cho quá trình CĐS ở các cơ quan báo chí vừa và nhỏ? Câu trả lời vẫn là phải dung hòa giữa phương thức tác nghiệp cũ và mới trong quá trình CĐS. Sự thống nhất về nhận thức từ lãnh đạo tới phóng viên, sự vào cuộc và kiên trì theo đuổi con đường CĐS của cả toà soạn mới là giải pháp đem lại thành công.
Một tòa soạn không thể ngay lập tức bỏ hết cơ sở vật chất cũ để đầu tư toàn bộ máy móc thiết bị mới đáp ứng yêu cầu CĐS. Một tòa soạn cũng không thể yêu cầu tất cả cán bộ, phóng viên cũ nghỉ việc hoặc chuyển công tác do không làm được báo đa phương tiện, không biết dùng công nghệ hiện đại để kết nối với độc giả. Nhưng một tòa soạn cũng không thể không đổi mới.
Bởi vậy, trong bối cảnh báo chí ở nước ta hiện nay, để các tờ báo nhỏ và vừa có thể đổi mới và tham gia sâu vào quá trình CĐS, cần có bệ đỡ về đầu tư công nghệ, đào tạo nhân lực của Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Ngày 12-1-2021, Bộ TT&TT đã hoàn thành việc xây dựng nền tảng CĐS cho các cơ quan báo chí và công bố 3 nền tảng hỗ trợ là quản lý tòa soạn điện tử; phân tích thông tin, dư luận xã hội; phòng chống tấn công, ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí. |
Linh Lan
-
Xuất siêu sang Mỹ: Việt Nam xứng đáng được đối xử công bằng
-
Ứng phó việc áp thuế mới từ Hoa Kỳ: Bình tĩnh, chủ động, khôn khéo thì sẽ vượt qua thử thách
-
Đề xuất gói lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
-
Phân cấp đầu tư công về địa phương để tạo động lực tăng trưởng dài hạn
-
Trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp là giảm thủ tục hành chính