Chuyển dịch năng lượng từ than đá sang tái tạo sẽ rẻ hơn?
Vừa qua, tổ chức nghiên cứu phân tích khí hậu phi lợi nhuận TransitionZero đã công bố kết quả phân tích mới nhất cho thấy giá carbon cần thiết để khuyến khích việc chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo và lưu trữ pin là -62USD/tấn CO2 vào năm 2022, so với 235USD/tấn CO2 đối với việc chuyển đổi từ than đá mới sang khí đốt. Tổ chức này khẳng định việc chuyển đổi từ than đá sang năng lượng sạch có thể được triển khai ít tốn kém trên toàn cầu.
![]() |
Nhà máy năng lượng mặt trời tại Bình Định với tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 380 ha. |
Trong dữ liệu phân tích nêu trên cũng cho thấy rằng chi phí năng lượng tái tạo đã giảm 99% kể từ năm 2010, điều này có nghĩa là khí đốt không còn là một công cụ chuyển đổi năng lượng thích hợp. Trước đây, giá chuyển đổi nhiên liệu được phân tích thông qua giá than và giá sản xuất khí đốt, do khí đốt có mức phát thải carbon thấp hơn than. Do đó, khí đốt đã được sử dụng rộng rãi như một công cụ bắc cầu để chuyển đổi từ than đá sang các giải pháp thay thế có mức phát thải carbon thấp hơn.
Tuy nhiên, với kịch bản không phát thải ròng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đặt ra rằng phải ngừng sử dụng than đá hoặc khí đốt vào năm 2035 ở các nền kinh tế tiên tiến và trên toàn cầu vào năm 2040, thì cách tiếp cận này chưa cân nhắc tới sự chuyển đổi khẩn cấp cần có trong sản xuất năng lượng sao cho phù hợp với Thỏa thuận Paris.
Dự án dữ liệu mở mới của TransitionZero, có tên Chỉ số định giá Than đá sang Năng lượng sạch (C3PI) ước tính định giá carbon cần thiết để bỏ qua khâu chuyển đổi từ khí đốt và hỗ trợ hệ thống điện được cung cấp chủ yếu bằng năng lượng tái tạo, cụ thể, điện gió trên bờ và hệ thống năng lượng mặt trời cùng với pin lưu trữ. Chỉ số lưu ý rằng một số yếu tố bao gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, yếu tố địa chính trị và các quy định thị trường ngày càng cho thấy rõ hơn các vấn đề mất an toàn năng lượng liên quan đến than đá và khí đốt. Hơn nữa, TransitionZero lưu ý rằng sự biến động này có thể sẽ tiếp diễn, có nghĩa là việc chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo hiện nay tiết kiệm hơn so với việc chuyển từ than sang khí đốt.
Matt Gray, người đồng sáng lập và nhà phân tích tại TransitionZero nhận xét: “Bất chấp một số khác biệt khu vực, phân tích của chúng tôi cho thấy xu hướng giảm rõ ràng trong chi phí chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch, đồng thời đặt ra câu hỏi về 615GW điện khí và 442GW điện than đã được đề xuất và đang được xây dựng trên toàn cầu. Xu hướng này sẽ tăng mạnh mà bất chấp chiến sự giữa Nga và Ukraine - mang lại cho các chính phủ cơ hội kinh tế để bảo vệ người tiêu dùng điện khỏi sự biến động liên tục của nhiên liệu hóa thạch. Để hiện thực hóa cơ hội này, các nhà hoạch định chính sách sẽ cần thực hiện một số cải cách, chẳng hạn như đẩy nhanh việc cấp phép”.
Phân tích của TransitionZero cũng ghi nhận sự thay đổi giữa các khu vực trong dữ liệu, đặc biệt là ở châu Á, nơi thị trường năng lượng tái tạo đang ở thời kỳ đầu phát triển.
Jacqueline Tao, nhà phân tích tại TransitionZero, nhận định: “Chi phí thay thế than đá bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió và hệ thống lưu trữ rất khác nhau giữa các vùng khác nhau. Ví dụ ở châu Âu, giá chuyển đổi không khả quan lắm do định giá carbon tăng từ các cải cách chính sách đối với Hệ thống Buôn bán Phát thải (ETS), nhiều thập kỷ hỗ trợ chính sách cho năng lượng tái tạo và chiến sự giữa Nga và Ukraine, khiến giá than tăng lên rõ rệt.
Mặt khác, Nhật Bản có giá chuyển đổi cao nhất do các quy định bất công và hạn chế sử dụng đất, trong khi ở Trung Quốc và Hoa Kỳ, mặc dù đang dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, giá than trong nước thấp hơn đã bù đắp một phần lợi thế. Trong khi đó, ở Đông Nam Á, chi phí bị ảnh hưởng bởi trợ cấp than đá và khí đốt, cũng như năng lượng tái tạo là một ngành công nghiệp non trẻ so với các nước khác”.
Phân tích của tổ chức này cũng đề xuất một số khuyến nghị về chính sách, nhưng lưu ý rằng dữ liệu minh bạch là yếu tố rất quan trọng cho việc ra quyết định.
Alex Truby, nhà khoa học dữ liệu tại TransitionZero nhấn mạnh: “Phân tích của chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị, nhưng để cung cấp thông tin về chính sách, nguồn dữ liệu minh bạch là yếu tố rất quan trọng giữa các bên liên quan. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã triển khai dự án "Chỉ số định giá than đá sang năng lượng sạch", thứ mà chúng tôi hy vọng sẽ là một công cụ hữu ích trong việc tăng cường tính minh bạch và đảm bảo rằng chúng ta sẽ thực hiện các cải cách nhằm gắn liền việc sản xuất năng lượng với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris”.
Thành Công