Chuyện về Quốc kỳ và Quốc huy đầu tiên sang Mỹ

07:00 | 30/04/2025

14 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây 30 năm, ngay trước dịp kỷ niệm 20 năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (30/4/1995), đã diễn ra cuộc mở đường thầm lặng cho sự hiện diện chính thức đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Để tìm hiểu về hành trình đặc biệt này, chúng tôi đến gặp Đại sứ Hà Huy Thông - là nguyên Trưởng đoàn tiền trạm Việt Nam đi mở Cơ quan liên lạc (CQLL) Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Chuyện về Quốc kỳ và Quốc huy đầu tiên sang Mỹ
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Ken Weiderman (thứ 2 bên phải) dự khai trương Đại Sứ quán Việt Nam tại nhà số 1251 phố R, Washington DC, ngày 5/8/1995

PV: Thưa Đại sứ, xin ông cho biết vài nét về bối cảnh diễn ra việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ?

Đại sứ Hà Huy Thông: Khi đó chiến tranh lạnh mới kết thúc, tình hình thế giới biến động nhanh và phức tạp. Ngày 3/2/1994, Tổng thống W. Clinton tuyên bố bỏ cấm vận và lập quan hệ với Việt Nam ở cấp CQLL. Ngay sau đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hoan nghênh và khẳng định việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là “phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới”.

Để triển khai quyết định của lãnh đạo cấp cao, Bộ Ngoại giao hai nước khẩn trương thành lập các nhóm làm việc về các vấn đề trong quan hệ giữa hai nước: Từ hàng loạt vấn đề do chiến tranh để lại như kiểm chứng những người Việt Nam và Mỹ bị mất tích trong chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam, tài sản ngoại giao… đến các vấn đề chính trị, ngoại giao, nhân quyền, nhân đạo…

Tháng 11/1994, Hoa Kỳ cử ông Christ Runkel là cán bộ ngoại giao, dự kiến làm Phó trưởng CQLL Hoa Kỳ đi tiền trạm mở CQLL tại Hà Nội. Ngày 10/12/1994, phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký tắt thỏa thuận về tài sản ngoại giao giữa hai nước. Theo đó, Hoa Kỳ tiếp nhận các bất động sản ngoại giao ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Chính phủ ta dành khu nhà số 7 Láng Hạ để Hoa Kỳ đặt trụ sở tại Việt Nam.

PV: Vậy đoàn Việt Nam đi tiền trạm mở CQLL thì sao, thưa ông?

Đại sứ Hà Huy Thông: Ngay lập tức, ta cũng thành lập đoàn tiền trạm đi mở CQLL tại Hoa Kỳ. Hai bên thầm phối hợp mở CQLL bảo đảm cùng treo quốc kỳ ở thủ đô Hà Nội và thủ đô Washington trước ngày 1/2/1995. Hai bên đã nỗ lực rất nhiều để đạt đến mốc quan hệ này, rất khẩn trương chớp thời cơ triển khai thỏa thuận cấp cao.

Do tình hình lúc bấy giờ, đoàn tiền trạm được chỉ đạo tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt và cơ động, nên chỉ có 5 người đi từ trong nước, gồm tôi cùng vợ và hai cháu nhỏ, một cán bộ phụ trách chính trị, một cán bộ phụ trách lãnh sự, một cán bộ thông tin và anh lái xe. Đoàn vừa phải khẩn trương, vừa phải bảo mật.

Đa số các nước trên thế giới và nội bộ Hoa Kỳ hoan nghênh hai nước mở CQLL. Tuy nhiên, một số nhóm quá khích ở Hoa Kỳ vẫn biểu tình chống treo cờ và quốc huy Việt Nam, nên cần đề phòng sự cố, kể cả chụp ảnh đưa lên báo chí… Mọi tình huống đều có thể xảy ra.

Khi đó ở Hoa Kỳ chuẩn bị nghỉ lễ Noel 1994, đón năm mới từ giữa tháng 12 đến đầu năm sau 1995. Nếu đoàn sang chậm thì khó thu xếp làm việc với các cơ quan của Hoa Kỳ. Vì vậy, chúng tôi đã nỗ lực tranh thủ thời gian để chuẩn bị tài liệu mang theo, đặc biệt có những thứ bắt buộc phải mang từ trong nước, đó là tài liệu mật rất cần thiết, mang tính đại diện quốc gia như: Quốc kỳ, Quốc huy, biển ghi tên CQLL của ta, giấy tờ làm lãnh sự, con dấu...

Khi đó chưa có cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ ở Việt Nam có thể cấp thị thực, nên đoàn đi đường ngắn nhất là qua Hong Kong nhận thị thực, rồi bay thẳng sang New York, phối hợp với phái đoàn ta ở Liên Hợp Quốc.

Chuyện về Quốc kỳ và Quốc huy đầu tiên sang Mỹ
Đại sứ Hà Huy Thông vẫn còn lưu giữ được nhiều kỷ vật từ những ngày đầu thành lập Cơ quan liên lạc tại Mỹ

PV: Trong thời gian sang Hoa Kỳ, có chi tiết nào khiến đoàn công tác bị bất ngờ không thưa ông?

Đại sứ Hà Huy Thông: Khi được đào tạo, chúng tôi học kiến thức cơ bản, nhưng thực tế thì muôn vẻ, nhiều việc phải làm ngay mà chưa được học như Công ước Viên về quan hệ ngoại giao cũng không ghi hình thức CQLL. Nên phải nắm thực chất, rồi vận dụng sáng tạo.

Có một chi tiết mà nay mới kể là tối ngày 15/12/1994, thấy hành lý đoàn có kiện hàng to hình dạng lạ, bị mắc kẹt ở băng chuyền…, hải quan sân bay Hoa Kỳ đã gọi chúng tôi đến chất vấn. Cũng may, chúng tôi đã chuẩn bị trước tình huống này nên đồng loạt trả lời là đồ để đi mở CQLL, đồng thời xuất trình hộ chiếu ngoại giao, có quyền bảo mật theo luật pháp quốc tế.

Khi biết đoàn đi mở CQLL, các nhân viên hải quan đã tạo điều kiện cho đoàn nhập cảnh thuận lợi.

PV: Thưa Đại sứ, việc triển khai lập CQLL có khó khăn gì lớn nhất?

Đại sứ Hà Huy Thông: Khó khăn lớn nhất có lẽ là nhiều việc gấp trong khi số cán bộ đi triển khai có hạn và được chỉ đạo phải tinh gọn, linh hoạt, dễ xử lý việc ngay tại chỗ. Thực ra gọi là gian nan thì chính xác hơn. Đơn cử như chúng tôi đến Washington vào lúc nửa đêm ngày 15/12/1994, trời mưa tuyết lạnh dưới 0oC. Ai cũng lo nhỡ bị ốm, không hoàn thành việc gấp.

Đến nơi, anh em chúng tôi bắt tay ngay vào thuê chỗ ở, đi chợ, đăng ký cư trú, đăng ký học cho các cháu và tiến hành thủ tục nhận lại tài sản của Việt Nam do nước Mỹ trao trả.

Đây là một ngôi nhà nằm ngay khu các cơ quan đại diện ngoại giao các nước được bảo vệ an ninh. Nhà tuy rộng nhưng không phù hợp để làm CQLL. Nhà ở khu ngoại giao đoàn hầu hết là biệt thự làm nhà riêng đại sứ, không phù hợp tiếp khách lãnh sự. Do vậy, chúng tôi đã tìm thuê nơi khác cách vài trăm mét, trong tòa nhà văn phòng, bảo đảm an ninh để làm lãnh sự.

Đoàn đã đến chào Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ là Winston Lord (từng làm trợ lý cho ông Henry Kissinger tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973), làm việc với các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ, Cục Điều tra Liên bang (FBI), thành phố, cơ quan ngoại giao một số nước khác. Xã hội Hoa Kỳ đa dạng, phức tạp… Trong thực tế, không phải ai cũng cập nhật tình hình quan hệ hai nước, nên việc bảo mật rất quan trọng, nhất là trước khi chính thức treo công khai Quốc kỳ và Quốc huy đại diện quốc gia ở thủ đô Washington trước ngày 1/2/1995 và bộ máy CQLL phải làm việc được ngay khi khai trương.

Khi anh Lê Văn Bàng, Đại sứ của Việt Nam ở Liên Hợp Quốc đến Washington làm Trưởng CQLL, tôi được cử làm Phó trưởng CQLL. Ngay sau tin CQLL ta mở ở Hoa Kỳ xuất hiện trên báo chí, nhiều người Mỹ, bà con người Việt gọi điện thoại chúc mừng cho đất nước đổi mới và quan hệ Việt - Mỹ phát triển. Lúc này, bắt đầu có người đến xin thị thực đi vào Việt Nam luôn và nhiều người lần đầu tiên được về nước vào đúng dịp nghỉ 30/4/1995 - tròn 20 năm kết thúc chiến tranh.

Việc chính thức thiết lập ngoại giao giữa nước ta và Hoa Kỳ là thành quả của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, đáp ứng nguyện vọng, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Hơn thế nữa, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao bình đẳng sau hơn 20 năm chấm dứt chiến tranh là sự kiện quan trọng khẳng định chủ trương của Đảng, ý chí của nhân dân ta là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn có thể gác lại hận thù trong quá khứ để hướng về tương lai tốt đẹp, nhân ái hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thành Công - Phong Sơn

  • bidv-14-4
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • banner-pvi-horizontal
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • bao-hiem-pjico
  • agribank-vay-mua-nha
  • vpbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps