Đại biểu Phạm Văn Hòa: DNNN cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ

20:50 | 13/05/2025

5,626 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, DNNN cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ tại khoản 4 Điều 25, thay vì nộp toàn bộ lợi nhuận cho ngân sách.

Sáng ngày 13/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật lần này đã thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp trước đó, như cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, tạo cơ chế linh hoạt và phù hợp hơn với thực tiễn.

Các đại biểu cũng cho rằng, trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ và quản lý dòng vốn nội bộ sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình phát triển và hội nhập.

Đại biểu Phạm Văn Hòa: DNNN cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp)

Trong đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển, tăng vốn điều lệ tại khoản 4 Điều 25, thay vì nộp toàn bộ lợi nhuận cho ngân sách. Ông đề xuất cho phép doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận trong các trường hợp đặc thù, như dự án trọng điểm, để tránh tình trạng nộp ngân sách rồi xin lại vốn, giúp doanh nghiệp có nguồn lực thực hiện các dự án chiến lược.

Trong khi đó, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho biết, quy định phân phối lợi nhuận sau thuế tại Điều 25 là bước tiến, nhưng tiêu chí “mức độ hoàn thành nhiệm vụ quốc gia” tại khoản 2 là chưa rõ ràng, khó thuyết phục. Ông An đề xuất bỏ tiêu chí này, ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển trước quỹ khen thưởng và cho phép doanh nghiệp tiên phong giữ lại toàn bộ lợi nhuận để thực hiện dự án trọng điểm. Đại biểu Trịnh Xuân An cũng kiến nghị sử dụng khoản hỗ trợ, tài trợ từ ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng, phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TW, để tăng nguồn lực.

Đại biểu Trần Văn Nam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) ủng hộ phương án 1 tại khoản 1 Điều 25, cho phép sử dụng lợi nhuận sau thuế để xử lý chi phí đầu tư thất bại, nhưng đề xuất bổ sung cơ chế giữ lại lợi nhuận để đầu tư vào các dự án nghiên cứu khoa học công nghệ, như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo. Đại biểu Trần Văn Nam nhấn mạnh, quy định này cần rõ ràng để doanh nghiệp chủ động triển khai, gắn với cơ chế giám sát chặt chẽ, đảm bảo sử dụng đúng mục đích.

Đại biểu Nguyễn Công Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) cho biết, khoản 2 Điều 29 về đầu tư vào công ty con cần sử dụng khái niệm “trên 50% vốn chủ sở hữu” hoặc “dưới 50% vốn chủ sở hữu” để rõ ràng. Ông đề xuất bổ sung cơ chế cho phép doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận để đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, như công nghệ cao, nhằm tăng nguồn lực phát triển dài hạn, đảm bảo hiệu quả quản lý vốn.

Huy Tùng

DMCA.com Protection Status