Đòn bẩy phát huy hiệu quả ổn định kinh tế vĩ mô từ chính sách tài khóa và tiền tệ

09:13 | 17/02/2025

129 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bối cảnh tình hình thế giới có diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo kịp thời các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định vĩ mô, duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế, ứng phó với áp lực lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đòn bẩy phát huy hiệu quả ổn định kinh tế vĩ mô từ chính sách tài khóa và tiền tệ
Chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lực tạo nên tăng trưởng cao (Ảnh minh họa)

Hợp lực đảm bảo tăng trưởng kinh tế đất nước

Kết quả rõ nét nhất có thể thấy từ các “con số” biết nói, năm 2024 dù kinh tế toàn cầu duy trì đà phục hồi lạc quan, dù vẫn đối mặt với nhiều thách thức, tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng GDP 7,09% so với năm 2023, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011 - 2024.

Trong tháng 1/2025 vừa qua, cả nước đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ cùng trong cùng một tháng song nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được một số điểm sáng: Tiến độ gieo cấy lúa đông xuân tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi ổn định, nuôi trồng thủy sản đẩy mạnh thu hoạch để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán; hoạt động dịch vụ, du lịch tăng cao.

Đáng chú ý, vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng thêm trong tháng 1 năm nay là điểm sáng tích cực của nền kinh tế, cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng Việt Nam là điểm đến quan trọng và tăng cường mở rộng quy mô các dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký tăng thêm đạt 2,73 tỷ USD, tăng 4,6% về số lượt dự án và gấp 6,1 lần về số vốn so với cùng kỳ năm 2024.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán dồi dào, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một năm 2025 tăng 3,63% so với cùng kỳ năm trước.

Có được kết quả này, theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) là nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa phát huy hiệu quả trong ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đất nước.

Đòn bẩy phát huy hiệu quả ổn định kinh tế vĩ mô từ chính sách tài khóa và tiền tệ
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Về tài khóa, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, chẳng hạn: đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp.

Về tiền tệ, trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động khó lường và hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định lãi suất tiền gửi, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất kỳ hạn 12 tháng trong khoảng từ 4,7% - 4,8%, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần đưa ra mức lãi suẩt cao hơn, từ 5,4% - 6,2% cho kỳ hạn dài. Ngoài tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng chú trọng công tác giám sát và kiểm soát nợ xấu.

Tăng lòng tin của các nhà đầu tư

Ổn định kinh tế vĩ mô giúp gia tăng lòng tin của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam lên cao, kích thích đầu tư khu vực tư nhân, mà một trong những biểu hiện đó chính là sự “ấm lên” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Chia sẻ với báo chí, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đánh giá phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một yếu tố then chốt trong phát triển thị trường vốn của mỗi quốc gia. Nhằm thúc đẩy sự phát triển này, Chính phủ đã đặt mục tiêu nâng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp lên 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Đòn bẩy phát huy hiệu quả ổn định kinh tế vĩ mô từ chính sách tài khóa và tiền tệ
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.

Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, trong năm 2024, đã có 96 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với với khối lượng 396,7 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với năm 2023. Trong khi đó, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 187 nghìn tỷ đồng (giảm 24,7% so với năm 2023).

Trên thị trường đã có 1.431 mã trái phiếu của 326 tổ chức phát hành thực hiện đăng ký giao dịch trên Hệ thống giao dịch Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tổng giá trị giao dịch đạt 1.026,6 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 4.224,8 tỷ đồng/phiên. Những diễn biến trên cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã “ấm” lên.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn cần có hướng phát triển mới để ổn định trong tương lai. TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, những điều chỉnh như sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (Nghị định 65), tăng thêm tiêu chuẩn của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đưa thêm điều kiện phải có tài sản đảm bảo vào phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mới chỉ giúp thị trường nhích lên được vài bước. Để đi đường dài cần phát triển kênh phát hành trái phiếu ra công chúng.

Đây là hướng đi theo thông lệ quốc tế và cũng là hướng đi duy nhất giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch và bền vững. Luật Chứng khoán (sửa đổi) mới nhất dù không siết chặt thêm điều kiện phát hành trái phiếu ra công chúng, song cũng chưa có động thái “mở” thêm với kênh này.

Trái phiếu phát hành ra công chúng giúp hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp được giám sát tốt hơn, thông tin minh bạch hơn, hàng hóa có chất lượng hơn. Ở đó, các nhà đầu tư không cần quan tâm đến các thông tin phức tạp như báo cáo tài chính mà chỉ cần quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm, trong xu hướng xanh hóa của nền kinh tế, thị trường trái phiếu xanh cũng cần được quan tâm và chú trọng hơn. Đồng thời, có những quy định cụ thể về khung xanh. Trái phiếu xanh có đặc điểm là thời gian phát hành dài và lãi suất thấp, do đó cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp phát hành các loại trái phiếu này, thông qua các chính sách, như: Cho vay không cần thế chấp, cung cấp lãi suất ưu đãi, thành lập các quỹ đầu tư xanh…

8 giải pháp trọng tâm để ngành ngân hàng phát huy vai trò năm 2025

Mới đây, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại để tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xác định để đạt mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, đề nghị lấy đòn bẩy ngân hàng để phát huy, khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tạo động lực, xung lực mới trong phát triển đất nước.

Từ phương châm đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thực hiện 8 giải pháp trọng tâm: Thứ nhất, hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp, tạo sinh kế cho nhân dân.

Thứ hai, tập trung tín dụng, góp phần làm mới 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ tư, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, giảm nợ xấu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Thứ năm, thực hiện quản trị thông minh, xây dựng ngân hàng thông minh, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của những người làm ngân hàng. Thứ sáu, các ngân hàng triển khai 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, góp ý cho việc xây dựng luật pháp, tập trung huy động nguồn lực phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.

Thứ bảy, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại nghiên cứu, tiếp tục có các gói tín dụng ưu đãi cho cả cung và cầu để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người trẻ từ 35 tuổi trở xuống, nhà ở cho những đối tượng khó khăn; tích cực góp phần xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Thứ tám, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan trong hệ thống chính trị trên tinh thần vì sự phát triển chung.

Diệu Phương