Giá vàng hôm nay 23/5: Rủi ro ngày một lớn, giá vàng tăng không ngừng
Giá vàng thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 17/5 có xu hướng tăng nhẹ với mục tiêu hướng đến là mốc 1.850 USD/Ounce. Lo ngại lạm phát gia tăng là động lực chính thúc đẩy giá vàng ngày 17/5 đi lên.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Lạm phát gia tăng sẽ kéo theo các chi phí hàng hoá gia tăng và nó có khả năng sẽ làm giảm hiệu quả các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá gần 6.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.
Đà tăng của kim loại quý ngày một lớn khi một loạt các nhân tố thúc đẩy giá vàng xuất hiện như đồng đồng USD suy yếu, Bitcoin lao dốc, thị trường chứng khoán đi xuống, tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc được dự báo khó khăn…
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 18/5, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.866,29 USD/Ounce, tăng 21 USD so với cùng thời điểm ngày 17/5; trong khi giá vàng thế giới giao tháng 7/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.868,0 USD/Ounce.
Tâm lý tiêu cực về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng sau thông tin tăng trưởng sản lượng công nghiệp Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại trong tháng 4 và doanh số bán lẻ thấp hơn nhiều kỳ vọng.
Cụ thể, theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 4 là 9,8% so với cùng kỳ 2020, bằng với dự báo nhưng lại thấp hơn nhiều con số 14,1% của tháng 3; doanh số bán lẻ tháng 4 tăng 17,7% so với cùng kỳ 2020 nhưng thấp hơn mức dự đoán 24,9% được đưa ra và thấp hơn nhiều còn số 34,2% của tháng 3.
Đồng bạc xanh giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát Mỹ tăng cao nhưng triển vọng tăng lãi suất cơ bản không lạc quan.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Dallas Robert Kaplan ngày 18/5 đã nhắc lại quan điểm rằng ông không kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trong năm 2021. Còn Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Richard Clarida thì cho rằng nền kinh tế vẫn cần được hỗ trợ, đặc biệt là sau báo cáo việc làm đáng thất vọng của Mỹ trong tháng 4/2021.
Giá vàng ngày 18/5 còn được thúc đẩy mạnh bởi dấu hiệu lạm phát gia tăng tại nhiều nền kinh tế khi mà chính phủ nhiều nước đã theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài.
Đà tăng của kim loại quý chỉ tạm chững lại sau thông tin EU quyết định mở cửa trở lại hoạt động du lịch và đồng USD quay đầu phục hồi trong phiên 20/5. Cụ thể, EU sẽ cho mở cửa trở lại hoạt động du lịch. Du khách đã được tiêm vắc-xin Covid-19 theo danh sách các loại vắc-xin đã được khối này phê duyệt sẽ được nhập cảnh, đến các điểm du lịch của tất cả các nước thành viên EU mà không cần phải làm các xét nghiệm hay thực hiện cách ly 14 ngày.
Tuy nhiên, tâm lý hưng phấn, kỳ vọng của giới đầu tư với thông tin trên từ EU đã nhanh chóng bị dập tắt, một loạt các vấn đề rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục được đặt ra và có diễn biến ngày càng phức tạp, tiêu cực hơn khiến giá vàng thế giới tiếp đà tăng mạnh.
Đồng bạc xanh mất giá sau khi biên bản cuộc họp gần nhất của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc FED được công bố, trong đó ghi nhận một số nhà hoạch định chính sách gợi ý nên bắt đầu thu hẹp việc mua tài sản khi kinh tế Mỹ tiếp tục phục hồi. Diễn biến này khiến giới đầu tư bị bất ngờ khi trong những phát biểu gần đây, Chủ tịch FED Jerome Powell và nhiều quan chức khác đều nhấn mạnh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng vì cho rằng sự gia tăng lạm phát của nước này chỉ là tạm thời.
Dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt tại một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia phát triển như Mỹ, EU... Nhưng ở phần còn lại, tại những quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc... dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và được nhận định vẫn chưa đạt đỉnh.
Thị trường kim loại quý tuần qua cũng được thúc đẩy bởi trạng thái mua ròng của các quỹ đầu tư thay vì bán tháo như các phiên giao dịch trước đó.
Khép tuần giao dịch, giá vàng hôm nay ghi nhận giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.881,24 USD/Ounce, trong khi giá vàng thế giới giao tháng 7/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.882,7 USD/Ounce.
Tại thị trường trong nước, giá vàng ngày 23/5 ghi nhận giá vàng 9999 niêm yết tại TP Hồ Chí Minh đứng ở mức 56,08 – 56,48 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,05 – 56,55 triệu đồng/lượng. Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,12 – 56,50 triệu đồng/lượng.
Với diễn biến của thị trường kim loại quý trong những phiên giao dịch cuối tuần, giới chuyên gia, nhà đầu tư đang tỏ ra lạc quan với triển vọng giá vàng sẽ phá ngưỡng 1.900 USD/Ounce trong tuần tới.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Kitco News, trong 15 nhà phân tích tham gia khảo sát thì có 11 nhà phân tích tỏ ra lạc quan về triển vọng của giá vàng, 3 nhà phân tích nhận định giá vàng giảm và chỉ có 1 nhà phân tích cho rằng giá vàng đi ngang.
Còn với góc độ nhà đầu tư, trong 1.037 phiếu được bỏ cho một cuộc khảo sát của Main Street thì có 716 phiếu nhận định giá vàng tuần từ 24 – 28/5 tăng, 154 phiếu nhận định giá vàng giảm và 167 phiếu cho rằng vàng đi ngang.
Minh Ngọc
-
[Infographic] Diễn biến giá vàng tuần qua (14/4-20/4)
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện