Giá vàng hôm nay 26/7: Môi trường rủi ro thúc đẩy giá vàng phi mã
Giá vàng hôm nay 26/7 ghi nhận giá kim loại quý treo ở mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây. Loạt yếu tố như diễn biến dịch bệnh Covid-19 gia tăng tại nhiều quốc gia, khu vực, căng thẳng Mỹ - Trung liên tục gia tăng, mặt bằng lãi suất thấp, nguy cơ lạm phát, nợ chính phủ... được chỉ ra là những nguyên nhân thúc đẩy giá kim loạt quý không ngừng đi lên, liên tiếp lập mức cao kỷ lục mới.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 20/7), những tín hiệu về một tuần thăng hoa của giá vàng đã được nhận diện. Tuy nhiên, phải đến phiên giao dịch ngày 21/7, khi Mỹ “giáng đòn” trừng phạt thêm 11 công ty Trung Quốc, “cơn điên” của giá vàng mới thực sự bộc lộ.
Theo ghi nhận vào đầu giờ sáng 21/7, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.817,45 USD/Ounce, trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 9/2020 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.823,7 USD/Ounce.
Môi trường đầu tư, kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro tiếp tục thúc đẩy nhà đầu tư dồn tiền vào các tài sản đảm bảo như vàng, qua đó hỗ trợ giá vàng liên tục tăng mạnh. Trạng thái “bùng nổ” của vàng được ghi nhận rõ nét trong phiên giao dịch ngày 22/7 khi giá vàng leo lên đỉnh 9 năm, đứng ở ngưỡng 1.850 USD/Ounce.
Theo Bloomberg, phố Wall đang thay đổi thị hiếu đầu tư chóng mặt, tích cực tìm kiếm và rót vốn vào các công ty khai thác vàng. Các công ty khai thác kim loại quý từng một thời được cho là có đòn bẩy quá cao, rủi ro quá lớn. Tuy nhiên, chính các hãng này bất ngờ huy động thành công tới 2,4 tỷ USD từ đợt chào bán cổ phiếu thứ cấp trong quý II, theo dữ liệu của Bloomberg.
“Kỳ vọng lãi suất thấp hơn và nhiều biện pháp kích thích hơn, cũng như nợ gia tăng cùng vô số lo ngại về kinh tế toàn cầu chậm phục hồi và các dòng tin về đại dịch, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung đã khiến nhà đầu tư mua nhiều vàng bạc hơn”, George Gero, Giám đốc quản lý tại RBC Wealth Management, nhận định.
Bức tranh kinh tế toàn cầu vốn được dự báo sẽ vô cùng khó khăn càng trở lên u ám khi một loạt các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore.. cũng đang đứng trước thực trạng suy thoái kinh tế trong năm nay và điều này được dự báo sẽ còn khó khăn trong những năm tiếp theo khi mà triển vọng vắc-xin Covid-19 còn mờ mịt.
Trong bối cảnh như vậy, giá vàng càng được thúc đẩy bởi lo ngại lạm phát gia tăng và tiền tệ mất giá khi rất nhiều các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ USD được triển khai, tạo thanh khoản dồi dào trong hệ thống tài chính nhưng lại không được hấp thụ vào các nền kinh tế.
Trong khi đó, vàng là công cụ truyền thống để phòng trừ các rủi ro này. “Làn sóng kích thích từ mọi nơi không chỉ làm dấy lên rủi ro lạm phát mà còn vẽ ra bức tranh u ám cho nền kinh tế, khiến vàng càng thêm hấp dẫn”, Edwar Meir – nhà phân tích tại ED&F Man Capital Markets nhận định.
Bank of America cũng đồng tình với quan điểm trên. “Khi GDP giảm mạnh, chi tiêu tài khóa tăng và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương phình ra gấp đôi, tiền tệ các nước sẽ chịu sức ép”, các nhà phân tích nhận xét, “Nhà đầu tư vì thế sẽ nhắm đến vàng”.
Tuy nhiên, nhân tố chính đẩy giá vàng tăng mạnh trong tuần giao dịch từ 20 – 24/7 chính là tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc khi cả 2 cường quốc này liên tiếp có các quyết định cứng rắn trên phương diện ngoại giao với sự khởi đầu là việc Hoa Kỳ ra lệnh cho Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở Houston trong bối cảnh các cáo buộc gián điệp.
Sau khi Mỹ thông báo về việc đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Trung Quốc đã lập tức có động thái đáp trả khi thông báo với Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh về việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.
Sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây càng làm cho những lo ngại, rủi ro đối với bức tranh kinh tế toàn cầu lớn hơn, thậm chí có thể rơi vào trạng thái suy thoái, khủng hoảng, qua đó càng thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng như là kênh đầu tư “vàng” hiện nay.
Ngoài ra, giá vàng ngày 26/7 còn ghi nhận sự hỗ trợ từ loạt dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan từ nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, theo dữ liệu vừa được công bố, số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng trong tuần kết thúc ngày 18/07/2020 lần đầu tiên kể từ cuối tháng 3/2020, tăng 109.000 người lên 1,42 triệu người.
Theo ghi nhận, chốt phiên giao dịch ngày 25/7, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.901,63 USD/Ounce, trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 9/2020 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.904,8 USD/Ounce, tăng 10,0 USD/Ounce trong phiên, mức cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
Theo diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng SJC trong tuần cũng được ghi nhận tăng mạnh, tới gần 5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tính đến cuối phiên giao dịch ngày 25/7, giá vàng 9999 niêm yết tại TP Hồ Chí Minh ở mức 53,50 – 55,00 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 53,40 – 54,40 triệu đồng/lượng.
Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết ở mức 53,70 – 54,70 triệu đồng/lượng và tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 53,70 – 54,65 triệu đồng/lượng.
Nhận định về xu hướng giá vàng tuần tới, giới chuyên gia cho rằng giá vàng khó giữ được đà tăng mạnh khi nhiều nhà đầu tư sẽ thực hiện chốt lời sau khi giá vàng tăng lên ngưỡng kỷ lục. Tuy nhiên, xu hướng giảm của giá vàng sẽ không nhiều bởi loạt yếu tố rủi ro do dịch bệnh, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, lãi suất thấp, lạm phát… vẫn rất lớn và chưa thể tháo gỡ trong thời gian ngắn.
Minh Ngọc