Hà Nội liệu có thể tự cung, tự cấp chống dịch?
Báo cáo tại buổi làm việc, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết: từ năm 2020, khi dịch bệnh xảy ra, ngành Công Thương đã xây dựng 5 phương án liên tục bám sát tình hình dịch để có phương án sát nhất thực tiễn. Sở Công Thương TP đã tính toán 17 mặt hàng thiết yếu và nhu cầu sử dụng 1 tháng với giá trị 21.000 tỷ đồng, từ đó, đề xuất doanh nghiệp tăng lượng dự trữ lên gấp 3 và dự trữ từ đầu năm với khoảng 194.000 tỷ đồng.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc |
Do vậy, suốt 7 tháng qua, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng hàng hóa vẫn bảo đảm cung ứng tốt, chưa xảy ra tình trạng tăng giá đột biến. Các doanh nghiệp đã xác định được nguồn cung hàng hóa tương đối dồi dào, các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ theo sự chỉ đạo của thành phố hiện tại đủ phục vụ nhu cầu người dân.
Do có kinh nghiệm qua các đợt dịch, doanh nghiệp cũng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực để phục vụ vận chuyển hàng hóa và bán hàng qua thương mại điện tử; nhà cung cấp cho các hệ thống phân phối tương đối ổn định. Nên tính đột biến sản lượng và giá cả không bị biến động.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, thuận lợi nhất là TP Hà Nội đang khống chế dịch tốt, dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát nên việc cung ứng hàng hóa đang thuận lợi. Các tỉnh phía Bắc có dịch nhưng chưa lây lan mạnh nên sản xuất của địa phương mà Hà Nội lấy hàng vẫn ổn định như: Sơn La, Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc... Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất, chế biến còn chưa hết công suất mới đạt 60%, nếu có nhu cầu có thể nâng lên 100%; lưu thông hàng hóa cũng thuận lợi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh về tinh thần ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, phải bảo đảm sự an toàn cho người dân, cho xã hội. Vì vậy, sau cuộc họp, các ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, các nội dung thảo luận, chia sẻ tại cuộc họp để triển khai cụ thể phương án của từng đơn vị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành nông nghiệp thành phố cần tính theo lộ trình dịch bệnh có thể tiếp diễn 14 ngày, 1 tháng hay nhiều hơn, vì vậy, cần tính toán ở bối cảnh cách ly thì ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất. Từ đó xây dựng, rà soát lại ngành sản xuất, rà soát mùa vụ đang trồng loại rau sạch, củ quả nào; rà soát về gia súc, gia cầm, thủy sản... để có phương án tổ chức sản xuất cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu: "Tất cả phải theo tinh thần chủ động, tự cung, tự cấp một cách cao nhất, đáp ứng được nhiều nhất”.
Đối với ngành Giao thông Vận tải, từ những thông tin cung cấp của Sở Công Thương về tổng hợp các điểm bán hàng để phân phối, Sở Giao thông Vận tải cần xây dựng phương án "luồng xanh" từ vùng sản xuất đến các cửa hàng phân phối, bảo đảm thông suốt, không ách tắc.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng yêu cầu Sở Công Thương rà soát lại toàn bộ hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bình ổn, lên danh sách cụ thể để khi hàng hóa về phân phối bảo đảm tiêu dùng. Tính toán từng loại sản phẩm để tiếp tục thực hiện liên kết chuỗi với các địa phương ở khu vực phía Bắc, đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Cần đa dạng vùng cung cấp, không chỉ ở một vùng để có phương án thay thế khi cần thiết...
Có một điều trong cuộc họp này không đề cập đến, đó là việc quản lý các chợ truyền thống sao cho an toàn và vẫn đảm bảo nhu cầu mua sắm thực của người dân Thủ đô. Thực tế tại nước ta, vị trí của chợ truyền thống (hệ thống chợ tại các khu phố, có gắn biển) là cực kỳ quan trọng, chiếm tới 70% lượng giao dịch lương thực, thực phẩm hàng ngày của người dân. Nếu ngay lập tức đóng cửa hệ thống chợ sẽ khiến lượng người mua sắm đổ xô vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích (tăng ít nhất gấp 6 lần), chưa kể khi thấy nhiều người cùng lúc đi mua sắm, người dân sẽ nảy sinh tâm lý tích trữ khiến lượng lương thực thực phẩm phải tăng mạnh.
Bên cạnh đó, hệ thống vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm thứ cấp trong thành phố tới các chợ truyền thống đã thành hình với hàng nghìn người, xe thồ len lỏi đến từng khu phố. Nếu cấm thì thực phẩm không thể đến tay người dân mà sẽ xảy ra tình trạng ách tắc cục bộ. Đây là những điều có thể lường trước được nên thay vì lúng túng, cứ "cấm khi thấy khó kiểm soát" thì cần phải xem lại.
Tùng Dương
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Đồng USD rơi xuống đáy 3 năm
-
Giá vàng hôm nay (22/4): Tiếp đà tăng mạnh
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới