Hai thành viên EU không nhất trí về gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga

09:04 | 10/12/2024

|
Reuters đưa tin, trích dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao giấu tên tại Brussels, hai quốc gia thành viên EU đã chặn gói trừng phạt thứ 15 nhằm vào Nga.
Hai thành viên EU không nhất trí về gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga
Tòa nhà Justus Lipsius ở Brussels, Bỉ. Ảnh RT

Khối này đã áp dụng một loạt lệnh cấm vận đối với Moscow để thể hiện sự ủng hộ đối với Kiev sau khi xung đột Nga-Ukraine leo thang vào năm 2022. Gói trừng phạt gần đây nhất được cho là nhằm vào đội tàu chở dầu của Nga.

Các nguồn tin ngoại giao giấu tên nói với Reuters rằng việc gói trừng phạt thứ 15 không được tán thành, là do bất đồng về việc gia hạn khung thời gian để các công ty EU thoái vốn khỏi Nga.

Mặc dù Reuters không nêu tên hai quốc gia phản đối, nhưng Politico cho biết đó là Latvia và Lithuania. EU dự định sẽ tiếp tục thảo luận về gói này vào một ngày sau đó.

Một trong những vấn đề đối với khối này là tranh chấp về việc giao các sản phẩm dầu mỏ của Nga. Trong khi EU cấm hầu hết các mặt hàng dầu nhập khẩu từ Nga vào năm 2022, thì Cộng hòa Séc, Slovakia và Hungary lại được miễn trừ vì họ không thể tìm được nhà cung cấp khác.

Theo một thỏa thuận hết hạn vào ngày 5/12, nhà máy lọc dầu Slovnaft của Slovakia – thuộc sở hữu của MOL của Hungary – có thể tiếp tục bán các sản phẩm dầu mỏ của Nga cho Cộng hòa Séc. Theo Reuters, Prague cho biết họ không cần gia hạn thỏa thuận này quá 6 tháng, vì họ đang chuẩn bị chuyển sang đường ống nâng cấp từ Ý sang Đức. Tuy nhiên, Bratislava muốn gia hạn lâu hơn.

Cũng liên quan đến trừng phạt Nga, EU đang gây sức ép với Mỹ để nới lỏng lệnh trừng phạt ngân hàng Gazprombank của Nga. Cho đến nay, ngân hàng này vẫn được các thành viên của Liên minh châu Âu sử dụng để thanh toán cho khí đốt tự nhiên của Nga, Bloomberg đưa tin.

Bloomberg trích dẫn các nguồn tin quen thuộc với vấn đề nói trên cho hay, EU đang đàm phán với Mỹ về "các biện pháp nới lỏng sau khi một số Chính phủ và công ty châu Âu cảnh báo rằng, lệnh trừng phạt sẽ gây rủi ro cho an ninh nguồn cung của khu vực này".

Gazprombank là ngân hàng Nga cuối cùng vẫn được tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nhưng đã bị Washington đưa vào danh sách trừng phạt vào tháng trước, khiến ngân hàng này không được tiếp tục nhận các khoản thanh toán khí đốt hoặc phí quá cảnh.

Mặc dù Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định mở các cơ chế tài chính khác để có thể chuyển đổi đồng túp nhằm mua khí đốt Nga, song các ngân hàng EU vẫn lo ngại về những rủi ro pháp lý, Bloomberg viết.

Yến Anh

RT