Kỷ niệm 50 năm thành lập Petrovietnam (1975 - 2025):

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử

tăng
a a
giảm
In bài viết
Ẩn mình giữa không gian yên bình tại xã Đồng Châu, tỉnh Hưng Yên (trước đây là xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), Khu lưu niệm công trình Dầu khí đầu tiên của Việt Nam không chỉ là nơi tưởng nhớ một dấu mốc khởi nguyên, mà còn là một “kho ký ức sống” lưu giữ hàng trăm hiện vật, tài liệu và hình ảnh quý gắn liền với những ngày đầu tiên dựng xây ngành dầu khí Việt Nam. Mỗi trang tư liệu, mỗi bức ảnh nơi đây như vẫn còn phảng phất âm vang của khí trời năm ấy - năm 1975, khi giếng khoan 61 (GK-61) chính thức được khởi công, thắp lên ngọn lửa đầu tiên cho hành trình khai thác khí tự nhiên của đất nước.

Bước vào khu trưng bày, điều gây ấn tượng đầu tiên chính là chiều sâu lịch sử được kết tinh trong từng tư liệu. Một trong những hiện vật tiêu biểu là bản phương án thiết kế khai thác mỏ khí Tiền Hải C năm 1986, với những tập tài liệu kỹ thuật dày cộp, in trên nền giấy đã ngả màu thời gian, ghi lại đầy đủ thông số địa chất, thiết bị khai thác, sơ đồ kỹ thuật… Đặc biệt, sơ đồ các tuyến đường ống dẫn khí từ mỏ đến nhà máy được vẽ thủ công bằng mực nâu, với nét vẽ sắc sảo, miêu tả tỉ mỉ từng đoạn đường ống chạy qua cánh đồng, hồ nước, các điểm nối... như một "bức tranh kỹ thuật" giàu cảm xúc, thể hiện tâm huyết của những người đặt nền móng cho ngành dầu khí Việt Nam.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Phương án thiết kế khai thác mỏ khí Tiền Hải C
Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Sơ đồ các tuyến đường ống vận chuyển khí

Gần đó, các biểu đồ khai thác vỉa sản phẩm T3 và T2+T3 được đóng khung cẩn thận, biểu thị bằng các đường cong, ký hiệu và màu sắc khác nhau, ghi lại sản lượng, áp suất, mật độ khai thác theo từng giai đoạn. Không chỉ là dữ liệu kỹ thuật, đó còn là những minh chứng cho quá trình khai thác khí bền bỉ trong những năm tháng đầy gian khó.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Các biểu đồ khai thác vỉa sản phẩm T3 và T2+T3.

Kế bên là sổ giao ca vận hành số 35 (tháng 9/1984) của Xí nghiệp khai thác khí Tiền Hải. Cuốn sổ bìa đã cũ kỹ nhưng đầy ắp giá trị, ghi chép chi tiết từng thông số vận hành, thời gian giao ca, tình trạng thiết bị... Dù thời gian đã làm phai màu giấy mực, nhưng tinh thần cẩn trọng, chuyên nghiệp của những người thợ dầu khí ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Khu trưng bày lưu giữ nhiều văn bản hành chính mang tính lịch sử...
Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Quyết định số 112/ĐC-LĐ của Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất 36 về việc điều động ông Vi Minh Hùng về phụ trách đội khai thác khí, ngày 18/3/1981.

Khu trưng bày cũng lưu giữ nhiều văn bản hành chính mang tính lịch sử, tiêu biểu như Quyết định số 112/ĐC-LĐ của Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất 36 ngày 18/3/1981, về việc điều động ông Vi Minh Hùng - một trong những cán bộ nòng cốt về phụ trách đội khai thác khí; Quyết định số 318/CT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 27/8/1992, về việc chuyển mỏ Tiền Hải C và Xí nghiệp Khai thác khí về UBND tỉnh Thái Bình trực tiếp quản lý - đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong công tác điều hành, thể hiện định hướng gắn kết hoạt động khai thác khí với sự phát triển của địa phương.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Không gian lưu niệm trưng bày nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1985) do Đảng và Nhà nước trao tặng cho Xí nghiệp Khai thác khí Tiền Hải.

Cùng với đó, không gian lưu niệm trưng bày nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1985) do Đảng và Nhà nước trao tặng cho Xí nghiệp Khai thác khí Tiền Hải và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006) trao tặng Xí nghiệp Dầu khí Thái Bình. Đây là những phần thưởng ghi nhận những nỗ lực bền bỉ và sự cống hiến miệt mài của tập thể cán bộ, kỹ sư dầu khí qua nhiều thế hệ.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Bác Hồ về thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải vào tháng 3/1962.

Bên cạnh tư liệu giấy, khu lưu niệm còn đặc biệt gây xúc động bởi những hình ảnh tư liệu quý. Nổi bật là bức ảnh Bác Hồ về thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải vào tháng 3/1962 - một hình ảnh thiêng liêng, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Người đối với vùng đất sau này trở thành “cái nôi” của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Hình ảnh kỹ sư Đặng Của - Quyền Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất 36 báo cáo Thủ tướng Phạm Văn Đồng về kết quả thử vỉa cho dòng khí condensate đầu tiên tại giếng GK-61 vào tháng 3/1976.

Cùng với đó là bức ảnh kỹ sư Đặng Của - Quyền Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất 36 báo cáo Thủ tướng Phạm Văn Đồng về kết quả thử vỉa cho dòng khí condensate đầu tiên tại GK-61 vào tháng 3/1976. Những gương mặt nghiêm nghị, ánh mắt quyết đoán, đứng bên mô hình kỹ thuật ấy đã ghi dấu bước đi đầu tiên của Việt Nam trên hành trình làm chủ nguồn năng lượng tự nhiên.

Thêm phần đặc biệt cho không gian lưu niệm là những bức ảnh tập thể. Tiêu biểu như bức ảnh ông Vi Minh Hùng chụp cùng ông Phạm Xuân Bái, Nguyễn Văn Hải, Đỗ Ngọc Trai - những người trực tiếp tham gia vận hành, bảo đảm cho những dòng khí đầu tiên được dẫn về phục vụ phát điện và ngành công nghiệp nhẹ.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử

Ngoài ra, một loạt bức ảnh ghi lại hoạt động khảo sát địa chất, thu nổ địa chấn tại miền võng Hà Nội, hay hình ảnh các nhà địa chất Việt Nam nghiên cứu tài liệu tại đồng bằng sông Hồng cho thấy chiều sâu khoa học, tầm nhìn chiến lược và sự đầu tư bài bản cho công cuộc phát triển ngành dầu khí.

Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử
Khu lưu niệm Dầu khí - Kỳ 2: Dòng chảy ký ức qua những tư liệu và hình ảnh lịch sử

Tất cả những tư liệu, hình ảnh ấy không đơn thuần là hiện vật trưng bày, mà là minh chứng lịch sử, kể lại một giai đoạn khai mở đầy gian khó nhưng đáng tự hào. Những trang tài liệu nhòe mực, những sơ đồ vẽ tay thủ công, những bức ảnh đã ố màu… tất cả tạo nên một dòng chảy lịch sử liền mạch, sinh động, giúp người xem không chỉ hiểu về hoạt động khai thác dầu khí, mà còn cảm nhận được tâm huyết và khát vọng chinh phục nguồn năng lượng của con người Việt Nam.

Giữa nhịp sống hiện đại, Khu lưu niệm công trình Dầu khí đầu tiên như một nốt trầm sâu lắng, đưa chúng ta trở lại với những ngày đầu dựng xây, nơi từng dòng khí không chỉ thắp sáng bóng đèn, mà còn thắp lên niềm tin mãnh liệt vào một tương lai năng lượng độc lập, tự chủ của dân tộc.

Đình Khương - Trần Trung

Cùng chuyên mục

“Giếng tổ” GK-61 linh thiêng - mạch nguồn dầu khí Việt Nam

Chi nhánh QLDA PVFCCo-Phú Mỹ: Một thập kỷ kiến tạo

Từ những bước đi ban đầu đầy thử thách đến vai trò chủ lực trong triển khai các dự án chiến lược, hiện Chi nhánh Quản lý Dự án (Chi nhánh QLDA) - tiền thân là Chi nhánh Ban Quản lý Dự án chuyên ngành Phân bón và Hóa chất Dầu khí đã từng bước khẳng định mình bằng tâm huyết, bản lĩnh và tinh thần không ngừng tiến lên.
“Giếng tổ” GK-61 linh thiêng - mạch nguồn dầu khí Việt Nam

Vietsovpetro 44 năm tỏa sáng – khát vọng vươn xa

Trải qua 44 năm xây dựng và phát triển, Vietsovpetro đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu trong công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, công tác bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên Bang Nga.
“Giếng tổ” GK-61 linh thiêng - mạch nguồn dầu khí Việt Nam

Ký ức về thế hệ người lao động dầu khí đầu tiên

Lực lượng lao động đã trưởng thành cùng với chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Công cuộc xây dựng đội ngũ người lao động đã được sớm đặt nền móng ngay từ những ngày đầu thành lập ngành.
“Giếng tổ” GK-61 linh thiêng - mạch nguồn dầu khí Việt Nam

[VIDEO] Dấu ấn đặc biệt của cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương với ngành dầu khí

Những đóng góp thầm lặng mà bền bỉ của cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam mãi là di sản quý báu cho các thế hệ mai sau.
“Giếng tổ” GK-61 linh thiêng - mạch nguồn dầu khí Việt Nam

Petrovietnam: Hành trình từ “không” đến “có”

"Từ những ngày đầu gần như trắng tay về công nghệ, kỹ thuật và kinh nghiệm, Petrovietnam đã vươn mình mạnh mẽ, làm chủ nhiều lĩnh vực then chốt, từ khai thác, chế biến dầu khí hướng đến năng lượng tái tạo. Câu chuyện 50 năm phát triển của Petrovietnam là minh chứng sống động cho tinh thần học hỏi, tự lực và khát vọng làm chủ của người Việt", bà Phạm Thị Thu Hà, nguyên Phó Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết.