Kỳ 4: Phận người từ NMNĐ Thái Bình 2
Đánh giá về dự án NMNĐ Thái Bình 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Chúng ta được người, được của, được việc, được tổ chức, được lòng dân”. Trong đó, “được người” được đặt lên hàng đầu vì một nhẽ lãnh đạo Đảng, Chính phủ thấu hiểu những cán bộ, nhân viên đã, đang và sẽ cống hiến tại đây đã phải trải qua những gì để làm nên một sự hồi sinh ngoạn mục cho dự án.
![]() |
Niềm vui của cán bộ, nhân viên khi NMNĐ Thái Bình 2 lần đầu hòa lưới điện quốc gia. |
Cần phải nhắc lại từ năm 2016, dự án NMNĐ Thái Bình 2 gặp khó khăn, có dấu hiệu đình trệ bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề tâm lý của cán bộ công nhân viên tại dự án. Quả thật, phải chứng kiến nhiều người từng là “đồng đội”, “đối tác”… lần lượt bị liên lụy tới mức độ “người ra đi đầu không ngoảnh lại” thì ai mà chẳng bàng hoàng. Rồi hàng loạt dư luận trái chiều, áp lực từ gia đình, vợ con… liên tục “đổ” lên đầu người làm dự án khiến không khí tại đây lúc nào cũng ảm đạm, nặng nề.
Nắm bắt được tình trạng này, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) liên tục có mặt động viên, khích lệ cán bộ công nhân viên tại dự án. Đưa ra các giải pháp toàn diện như ký kết Nghị quyết liên tịch giữa Đảng ủy - Hội đồng Thành viên - Ban Tổng giám đốc và các tổ chức chính trị của Tập đoàn, thành lập Ban chỉ đạo đặc biệt của Tập đoàn… để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho dự án. Ấy vậy nhưng ngoài hàng trăm cán bộ, chuyên gia dạng biệt phái, kỹ thuật công nghệ được tuyển chọn từ các đơn vị mạnh nhất Tập đoàn về hỗ trợ, cũng phải thay thế đến 4 đời Trưởng ban Quản lý dự án (QLDA), tương ứng là 4 đời Tổng giám đốc của Tổng thầu dự án.
Phải nói thẳng và thật rằng, một dự án khó khăn, bị đình trệ nhiều năm thì sự phức tạp để xử lý các hậu quả từ quá khứ rồi thúc đẩy các hạng mục công việc trên đường găng tiến độ, hoàn thành các hạng mục dang dở là cực kỳ phức tạp và khó khăn. Hơn thế nữa, những điều tiếng trong quá khứ khiến không một ai “muốn” về dự án là sự thật hiển nhiên. Đó là chưa kể, các cán bộ biệt phái về dự án phải chịu giảm lương, có nguy cơ mất thưởng khi chuyển công tác về một nhà máy mới.
Trong tình thế khó khăn như vậy, mỗi một Trưởng ban QLDA đều có những dấu ấn trong quản lý, động viên người lao động dần lấy lại niềm tin, hào hứng với công việc. Có thể kể đến như thực hiện chủ trương thắt chặt đoàn kết tại dự án “một đội ngũ - một mục tiêu” - Tập đoàn đã đảo vị trí của 2 Phó trưởng Ban QLDA và 2 Phó Tổng giám đốc của Tổng thầu. Từ đó, người lao động trên công trường thấu hiểu vị trí của nhau hơn, biết thông cảm với khó khăn, thách thức của cả hai phía, biết cách tìm được tiếng nói chung và chịu trách nhiệm chung với tiến độ dự án.
![]() |
Đoàn công tác Petrovietnam thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 |
Tổng kết sách lược nhân sự tại dự án thì có vẻ đơn giản, trong thực tế để có 1 trưởng Ban QLDA tại Thái Bình 2 hay Tổng giám đốc Tổng thầu PETROCONs thì chính các lãnh đạo cao nhất của Petrovietnam phải nhiều lần thuyết phục trực tiếp, làm công tác tư tưởng đến cả gia đình, vợ con của cán bộ. Trong đó, suốt 3 năm triển khai lại dự án, không ít lần phải “nặng nhẹ” với nhau trong nhiều cuộc họp nhưng các anh vẫn nung nấu xác định triển khai dự án NMNĐ Thái Bình 2 là danh dự của người lao động Dầu khí, vẫn luôn chung tay xử lý những khó khăn vướng mắc.
Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, bố trí nhân sự qua các thời kỳ của dự án NMNĐ Thái Bình 2 đều được căn cứ tình hình thực tế về quản lý, triển khai dự án. Mỗi lần thay đổi nhân sự ở vị trí quản lý đều được lãnh đạo Chủ đầu tư, Tổng thầu thực hiện đúng các quy trình bổ nhiệm, đánh giá, rút kinh nghiệm. Dự án NMNĐ Thái Bình 2 là sự điển hình về công tác tổ chức nhân sự, đặc biệt là tính kế thừa, không hề có chuyện đấu đá nội bộ. Dự án là nỗi đau chung, là sự hy sinh và giờ thực sự là niềm tự hào của mỗi một cán bộ công nhân viên dù đã, đang hay sẽ tiếp tục cống hiến cho NMNĐ Thái Bình 2.
Thành Công