Những ngày đầu làm Dầu khí ở Vietsovpetro

tăng
a a
giảm
In bài viết
Trước khi sang làm ở Xí nghiệp Liên doanh (XNLD) Dầu khí Việt - Xô (nay là Vietsovpetro) tôi đã từng làm Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ Cảng (XNDV) và trực tiếp chỉ huy bốc dỡ hàng trăm nghìn tấn hàng hóa: xi măng, sắt thép với trọng tải hàng tấn, việc bốc dỡ hàng chủ yếu bằng phương pháp thủ công của hàng trăm công nhân làm việc tại cảng, các loại hàng hóa tuy có số lượng lớn nhưng không có gì khó khăn đối với chúng tôi.
Những ngày đầu làm Dầu khí ở Vietsovpetro
Ông Lê Quang Trung

Từ khi được điều động vào làm việc ở XNLD và được giao làm Chánh kỹ sư Cục Dịch vụ (nay là XNDV và Cung ứng hàng hóa) trực tiếp chỉ huy việc tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa lên bờ và chuyển xuống tàu của Vietsovpetro để đưa ra biển xây lắp các giàn khoan khai thác dầu khí là cả một thử thách to lớn đối với chúng tôi và lực lượng bốc dỡ hàng hóa của XNLD Vietsovpetro. Phần lớn anh em từ bộ đội chuyển về, sức khỏe, tinh thần có nhưng kỹ năng lao động còn thiếu.

Bây giờ việc bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa kể cả hàng siêu trường, siêu trọng ở cảng Vietsovpetro đã được hiện đại hóa chủ yếu bằng phương pháp cơ giới. Ít ai có thể hiểu rằng việc bốc dỡ hàng siêu trường, siêu trọng những ngày mới thành lập XNLD khó khăn như thế nào? Nhưng chúng tôi, những người đã từng làm việc đó từ những ngày mới thành lập XNLD Vietsovpetro khi bắt đầu tiếp nhận những lô hàng siêu trường, siêu trọng với những khối blốc thiết bị, blốc nhà ở có trọng lượng lớn (hàng trăm tấn) chuyển ra biển để xây dựng giàn khoan cố định (MSP) phục vụ khai thác những tấn dầu đầu tiên trên thềm lục địa thì có những kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là vào năm 1984-1985, sau khi giếng khoan đầu tiên do tàu Mikhain Mirchin khoan, phát hiện dầu tại mỏ Bạch Hổ (tháng 6-1984), Chính phủ Việt Nam cho phép XNLD vừa tiến hành thăm dò đánh giá trữ lượng mỏ Bạch Hổ, vừa cho phép tiến hành xây dựng giàn khoan cố định để sớm đưa mỏ Bạch Hổ vào khai thác. Các cấu kiện kim loại và các khối blốc được sản xuất tại Liên Xô, chuyển sang Việt Nam để lắp ráp và đưa ra xây dựng giàn khoan cố định trên mỏ Bạch Hổ, trong đó có các khối blốc thiết bị và blốc nhà ở nặng từ 100 đến 300 tấn. Lúc bấy giờ tại bãi lắp ráp giàn khoan ở căn cứ dịch vụ cảng chưa có các loại cẩu có trọng tải lớn, có thể cẩu được các blốc siêu trường, siêu trọng này.

Tàu hàng từ Liên Xô sang chỉ có nhiệm vụ và cũng chỉ có thể cẩu các khối blốc này từ tàu lên bờ cảng, việc vận chuyển vào bãi là việc của XNLD mà trực tiếp là Cục Dịch vụ, Cục Xây lắp, Cục Vận tải ôtô. Không có phương tiện để cẩu và vận chuyển các khối này vào bãi lắp ráp, vì lúc này tại cảng chỉ có cẩu bánh lốp Tađano (của Nhật) có sức cẩu 45-90 tấn và xe kéo moóc với sức chịu tải 50 tấn. Do đó để thực hiện được công việc này, thực sự là một thử thách hết sức khó khăn đối với chúng tôi. Nhưng trong cái khó, ló cái khôn, qua nhiều ngày suy nghĩ, nhóm chuyên gia bốc xếp của Cục Dịch vụ do tôi và anh Nguyễn Quang Thọ, Đỗ Minh Hòa, Nguyễn Đức Hiển cùng nhóm chuyên gia lắp ráp Cục Xây lắp do anh Tofic và một số anh em khác cùng nhau bàn bạc, đưa ra phương án táo bạo là dùng 2 cẩu Tađano (sức cẩu 90 tấn) và hai xe Blatfooc đấu nối, 2 cẩu cùng nhấc khối blốc lên, 2 xe Blatfooc lùi vào; khi xe đã đến giữa khối blốc thì 2 cẩu từ từ hạ khối blốc xuống 2 xe Blatfooc, nhưng không thể thả khối blốc (nhà, thiết bị) xuống hẳn xe, vì xe không thể chịu đựng được trọng lượng lớn của khối blốc, do đó xe cẩu vẫn phải tiếp tục nâng để chia trọng lượng chịu tải cho cả xe và cẩu; sau đó một người làm nhiệm vụ điều khiển xe và cẩu cùng chuyển bánh, dịch chuyển dần các khối siêu trường, siêu trọng vào nơi quy định trong bãi để chuẩn bị cho việc hiệu chỉnh trước khi chở ra biển xây dựng giàn khoan. Đây là việc làm rất thận trọng, tỉ mỉ vì chỉ cần sơ suất sẽ dẫn đến gãy cẩu hoặc hỏng xe. Nhờ sáng kiến này mà các cấu kiện kim loại, các blốc thiết bị, nhà ở được vận chuyển an toàn từ bờ cảng vào bãi và từ bãi ra bờ cảng để chuyển xuống tàu đưa ra mỏ Bạch Hổ.

Những ngày đầu làm Dầu khí ở Vietsovpetro
Một góc cảng Vietsovpetro

Tôi còn nhớ lúc đó ông Xaturov E.X là Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ, vận tải, vật tư. Khi nghe chúng tôi báo cáo phương án vận chuyển này, dù có mặt tại hiện trường ông vẫn không tin là chúng tôi làm được và cho rằng không an toàn cho người và phương tiện, sai quy trình quy phạm của Liên Xô, nên ông đã báo cáo với ông Mamedov Đ.G - Tổng giám đốc XNLD Việt - Xô lúc bấy giờ (Tổng giám đốc đầu tiên của XNLD Việt - Xô). Ông Mamedov Đ.G gọi chúng tôi lên văn phòng của ông để trình bày, sau khi nghe xong, ông ủng hộ và trực tiếp xuống cùng ông Xaturov E.X thị sát chúng tôi thực hiện phương án. Khi chuyển an toàn khối blốc đầu tiên, ông đã đến bắt tay động viên và cảm ơn tất cả những người tham gia thực hiện phương án này. Việc vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng được thực hiện cho đến khi XNLD Việt - Xô mua được các loại cẩu DEMAX (của Đức) có sức cẩu 145-300 tấn (1987-1988).

Với kết quả đạt được đó, một số cán bộ công nhân viên của Cục Dịch vụ, Cục Xây lắp, Cục Vận tải ôtô thuộc XNLD Việt - Xô được công nhận là Chiến sĩ thi đua lao động quốc tế, được Tổng Công đoàn Liên Xô tặng bằng khen và huy hiệu trong đó có tôi.

Đã gần 30 năm trôi qua, chuyện bốc xếp hàng siêu trường, siêu trọng theo phương án chúng tôi thực hiện hồi đó chỉ còn là những kỷ niệm, khi mà tại căn cứ dịch vụ tổng hợp trên bờ của XNLD Vietsovpetro đã có đầy đủ các thiết bị hiện đại, nhưng đó vẫn mãi là kỷ niệm không bao giờ quên của chúng tôi - những người làm nhiệm vụ bốc xếp đầu tiên của XNLD Vietsovpetro.

Lê Quang Trung - Nguyên Chánh kỹ sư Cục Dịch vụ XNLD Việt Xô (Vietsovpetro)