PCI 2020: Có tới 47% doanh nghiệp FDI báo lỗ trong năm 2020
Theo Báo cáo PCI 2020, vào thời điểm đầu năm 2020, nhiều đánh giá quốc tế cho rằng Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế có được từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung, củng cố vị thế quốc gia như một trong những “công xưởng” của thế giới và có thể đạt mức tăng trưởng cao.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, dưới tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam chỉ còn 2,9%. Dù vậy trên bình diện rộng hơn của nền kinh tế toàn cầu đang chịu tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thu hút được một lượng đáng kể vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2020. Tính đến cuối tháng 12 năm 2020, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam là 28,5 tỷ USD, bằng 75% so với năm 2019. Vốn đầu tư thực hiện năm 2020 đạt gần 20 tỷ USD, tương đương mức cùng kỳ năm trước.
Kết quả ấn tượng của Việt Nam trong ứng phó, kiềm chế dịch bệnh cũng đã góp phần tăng sức hút của Việt Nam như điểm đến cho đầu tư nước ngoài. Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), cho đến nay Việt Nam vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm các phương án đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, tiếp theo là Thái Lan ở vị trí thứ hai.
Mặc dù tổng vốn FDI vào Việt Nam có sự sụt giảm song Việt Nam vẫn thu hút được một số siêu dự án. Lớn nhất trong số đó là dự án nhà máy Điện khí hóa lỏng LNG tại Bạc Liêu do công ty TNHH Delta Offshore đến từ Singapore đầu tư. Với số vốn đăng ký 4 tỷ USD, dự án này đưa Singapore trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam năm 2020. Thái Lan cũng tạo dấu ấn với dự án hóa dầu Long Sơn (LSP) tại Bà Rịa - Vũng Tàu...
Tuy vẫn đạt được những kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, Báo cáo PCI 2020 cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI trong năm 2020 cũng sụt giảm.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp FDI tỏ ra thận trọng hơn trong việc tăng quy mô vốn đầu tư. Chỉ có 8% doanh nghiệp FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2020 so với mức 10% của năm 2019, và những con số này đều giảm so với mức đỉnh 13% của năm 2017. Tương tự, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp FDI tăng quy mô lao động sụt giảm xuống 55% so với mức 62% của năm 2019.
“Việc vẫn có hơn 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI-FDI năm nay cho biết có tăng quy mô lao động cho thấy họ tin tưởng vào các nỗ lực kiềm chế sự lây lan của đại dịch của Chính phủ và các tác động của nó đối với nền kinh tế Việt Nam”, Báo cáo PCI 2020 nhấn mạnh.
Theo PCI 2020, tác động của dịch thể hiện rõ trên số liệu về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp FDI. Trong khi năm 2019 phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động có lãi thì năm 2020, con số này chỉ còn là 43%. Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ cũng tăng mạnh, từ 34% năm 2019 lên đến 47% năm 2020.
Năm 2020 cũng là năm ghi nhận hiệu quả hoạt động kém nhất của khối doanh nghiệp FDI trong suốt những năm điều tra PCI-FDI. Dịch bệnh gần như đã làm gián đoạn hầu hết các hoạt động kinh tế. Doanh thu trung vị của các doanh nghiệp FDI cũng sụt giảm từ 0,93 triệu USD năm 2019 xuống chỉ còn 0,67 triệu USD – mức thấp nhất kể từ năm 2012. Chi phí trung vị của khối này cũng giảm xuống 1,28 triệu USD so với 1,51 triệu USD năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh đã giảm hơn 12 điểm phần trăm, từ 53% năm 2019 xuống 40,8% năm 2020. Sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2012-2013.
Dưới tác động mang tính toàn cầu của đại dịch COVID-19 khiến các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu dường như bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các doanh nghiệp chỉ tập trung thị trường nội địa (không xuất khẩu). Với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp có kế hoạch tăng quy mô tại Việt Nam đã giảm từ 56,4% xuống 41,5%, tức là giảm gần 15 điểm phần trăm. Trong khi đó, con số tương ứng ở nhóm doanh nghiệp không xuất khẩu là 10%. Chỉ có 40,2% doanh nghiệp không xuất khẩu trong mẫu cho biết họ dự định tăng quy mô kinh doanh trong năm 2020, so với 50,1% năm 2019. Tuy nhiên, tại thời điểm trước đại dịch, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dường như khá chắc chắn về kế hoạch mở rộng so với nhóm doanh nghiệp không xuất khẩu, song sau các diễn biến phức tạp của dịch, mức độ lạc quan của cả hai nhóm đã rơi xuống mức thấp gần như bằng nhau.
Báo cáo PCI được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát 8.500 doanh nghiệp tư nhân trong nước tại 63 tỉnh, thành; điều tra thương niên trên 2.000 doanh nghiệp mới thành lập; 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. |
Hải Anh
PCI 2020: Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu năng lực cạnh tranh cấp tỉnh | |
PCI 2020: Gánh nặng chi phí không chính thức vẫn đè nặng hoạt động của doanh nghiệp |
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Đồng USD rơi xuống đáy 3 năm
-
Giá vàng hôm nay (22/4): Tiếp đà tăng mạnh
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới