Sản xuất công nghiệp duy trì đà hồi phục
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 3,6% so với tháng 9 và tăng 5,4% so với cùng kỳ. Nhìn chung một số ngành công nghiệp chủ lực đều tăng trưởng sản xuất, cụ thể như ngành khai khoáng tăng 0,3% so với tháng trước và giảm 14,5% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ. Chỉ có riêng ngành sản xuất và phân phối điện giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 1% so với cùng kỳ.
![]() |
NMLD Dung Quất vừa hoàn thành bảo dưỡng tổng thế sẽ nhanh chóng trở lại hoạt động và đẩy ngành dầu mỏ tinh chế tiếp tục tăng trưởng cao vào những tháng cuối năm 2020. |
Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao trong tháng 10 so với cùng kỳ chủ yếu do có sự khởi sắc của các ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế (tăng 22,6%). Mặt khác, các ngành chủ lực như sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 16,9%, sản xuất kim loại tăng 15,2%, sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,9%, sản xuất thiết bị điện tăng 10,6%. Đặc biệt, ngành Sản xuất máy móc, thiết bị (chưa được phân vào nhóm nào) cũng có mức tăng trưởng tới 20,2%.
Tính chung 10 tháng năm 2020, IIP ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%), đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,2%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 8,1%, làm giảm 1,3 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 10 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể như: Khai thác quặng kim loại tăng 14,1%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 7,7%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 7%; Sản xuất thuốc lá và than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế cùng tăng 6,7%; Sản xuất kim loại tăng 5,8%; Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,7%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước như: khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,9%; sản xuất xe có động cơ giảm 10,8%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 10%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 6%; sản xuất đồ uống giảm 5,3%; sản xuất trang phục giảm 4,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 3,8%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 1,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,5%.
![]() |
Ngành sản xuất mô tô, xe máy có chỉ số IPP giảm liên tục trong nhiều tháng qua. |
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 25,3%; phân u rê tăng 9,3%; linh kiện điện thoại tăng 9,3%; thép thanh, thép góc tăng 7,6%; thuốc lá điếu tăng 6,8%; xăng dầu các loại tăng 6%; thép cán tăng 5,3%; alumin tăng 4%.
Bệnh cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: khí hóa lỏng LPG giảm 15,2%; dầu thô khai thác giảm 13,7%; bia giảm 13,1%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 10,6%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 10%; ô tô giảm 9,2%; xe máy giảm 7,9%; quần áo mặc thường giảm 6,1%...
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng sự chuyển dịch các ngành công nghiệp vẫn khá rõ nét. Trong đó, lấy công nghiệp chế biến chế tạo làm chủ lực, các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ dần nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp quốc tế. Đặc biệt, công nghiệp nước ta đã thể hiện rõ nét khả năng hồi phục và linh hoạt trong bối cảnh diễn biến và ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19.
Thành Công
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng