Tận dụng giá LNG giảm sâu, Châu Á tăng mạnh nhập khẩu

14:35 | 20/04/2025

|
Tuần này, thị trường khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á ghi nhận đợt giảm giá đáng kể, tạo cơ hội để các nhà nhập khẩu tranh thủ mua vào với chi phí thấp hơn.
Tận dụng giá LNG giảm sâu, Châu Á tăng mạnh nhập khẩu
Theo Rystad Energy, giá LNG giao ngay tại châu Á cho kỳ hạn tháng 5 hiện quanh mức 12,5 USD/MMBtu. Ảnh AFP

Giá LNG hạ nhiệt đã giúp nhiều nước châu Á mua được các lô hàng với mức giá tốt, hứa hẹn sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu trong ngắn hạn.

“Theo chúng tôi, giá giảm chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ khí ở hạ nguồn đang yếu đi. Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn nguồn cung từ Úc và Brunei cũng giúp kìm hãm phần nào đà giảm của giá”, ông Masanori Odaka – chuyên gia cấp cao tại Rystad Energy – nhận định.

Trong khi một số nhà nhập khẩu nhanh tay chốt mua khi giá xuống thấp, một số khác vẫn dè dặt, vì lo ngại thị trường còn nhiều bất ổn, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại có dấu hiệu quay trở lại và tồn kho khí hiện ở mức cao.

Tại châu Âu, giá LNG vẫn tiếp tục xu hướng giảm. Tại Mỹ, nhu cầu khí cho các nhà máy hóa lỏng giữ ổn định, trong đó nhà máy Calcasieu Pass vừa chính thức đi vào vận hành thương mại, góp phần kéo giá LNG toàn cầu đi xuống.

Giá hợp đồng khí đốt giao tháng 6 tại trung tâm khí TTF (Hà Lan) đã giảm 2,4%, xuống còn 11,4 USD/MMBtu. Tại châu Á, hợp đồng LNG kỳ hạn tháng 6 cũng giảm 2% so với tuần trước, về mức 11,4 USD/MMBtu tính đến ngày 15/4.

Thị trường LNG châu Á sôi động

Theo Rystad Energy, giá LNG giao ngay tại châu Á cho kỳ hạn tháng 5 hiện quanh mức 12,5 USD/MMBtu — giảm gần 9% so với giá tháng 4, nhưng vẫn cao hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số nhà nhập khẩu lớn như Korea Gas Corporation (Hàn Quốc) và CPC Corporation (Đài Loan) đã chốt mua được các lô hàng giao trong tháng 5 – 6 với giá dưới hoặc quanh mức 11 USD/MMBtu.

Hoạt động mua bán trên thị trường LNG tại châu Á đang diễn ra khá sôi động, với sự tham gia của nhiều quốc gia.

Kogas của Hàn Quốc tiếp tục tìm kiếm thêm các lô hàng LNG giao từ tháng 6/2025 đến tháng 3/2026. Tại Nam Á, Bangladesh thông qua công ty RPGCL đã hoàn tất mua hàng giao trong các ngày 15–16/5 và 25–26/5. Còn GSPC (Ấn Độ) hiện đang chào mua các lô LNG giao từ ngày 10 đến 31/5.

Nguồn cung từ Brunei cũng đang gặp trục trặc sau sự cố tại nhà máy LNG liên doanh giữa Chính phủ Brunei, Shell và Mitsubishi hôm 11/4.

“Dự báo thời tiết ôn hòa trong giai đoạn chuyển mùa sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ khí tại các nước Đông Á tiếp tục ở mức thấp trong phần còn lại của tháng 4”, chuyên gia Odaka nhận định thêm.

Giá điện tại Nhật giảm mạnh, LNG châu Âu và Mỹ tiếp tục hạ nhiệt

Giá điện giao ngay tại Nhật Bản vào ngày 17/4 đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ tuần trước, trong bối cảnh nước này bước vào giai đoạn bảo trì theo kế hoạch trên diện rộng đối với tất cả các loại hình phát điện. Việc bảo trì khiến công suất khả dụng giảm 18% trong tháng 4, và dự kiến tiếp tục giảm 15% trong tháng 5 so với tháng 3/2025.

Châu Âu: Giá LNG giảm nhẹ, lưu lượng khí tăng bất chấp sự cố

Giá LNG tại châu Âu trong tuần qua tiếp tục giảm 1,5%, xuống còn khoảng 10,6 USD/MMBtu. Mức giá này vẫn thấp hơn 80–90 cent so với giá tại trung tâm giao dịch khí TTF (Hà Lan).

Cùng lúc đó, chỉ số đồng USD đã tụt xuống dưới ngưỡng 100 – lần đầu tiên kể từ tháng 7/2023 – cho thấy đồng Euro và một số đồng tiền khác đang mạnh lên so với USD. Theo ông Masanori Odaka từ Rystad Energy, diễn biến tỷ giá có thể khiến giá khí đốt ở châu Âu đi theo các chiều hướng khác nhau, tùy thuộc vào đồng tiền thanh toán và chính sách tích trữ khí của khu vực.

Bất chấp sự cố tại 3 mỏ khí lớn ở Na Uy (Aasta Hansteen, Dvalin và Troll), lưu lượng khí đốt chuyển tới châu Âu trong ngày 14/4 vẫn tăng 8,6%, đạt 329,4 triệu mét khối/ngày. Dự trữ khí dưới lòng đất cũng tăng thêm 2,2%, lên 40,5 tỷ mét khối, dù vẫn thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Odaka cho biết thêm, nhiều nhà cung cấp LNG từ Mỹ hiện đang ưu tiên giao hàng sang châu Âu. Tuy nhiên, sự biến động về giá và biên lợi nhuận giữa các khu vực có thể khiến họ quay sang châu Á trong thời gian tới.

Mỹ: Giá khí giảm do thời tiết ấm, LNG vẫn giữ nhịp xuất khẩu

Tại Mỹ, giá khí chuẩn Henry Hub ngày 15/4 đã giảm 3,8% so với tuần trước, còn 3,3 USD/MMBtu. Tính đến thời điểm hiện tại, giá đã nhích nhẹ 0,3%, đạt mức 3,255 USD/MMBtu.

Từ ngày 8–14/4, lượng khí đốt cấp cho các nhà máy LNG tại Mỹ tăng 6,6%, đạt khoảng 16,8 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcfd), theo dữ liệu từ Rystad Energy.

Thông tin về nhà máy Calcasieu Pass LNG (bang Louisiana) chính thức vận hành thương mại tiếp tục làm gia tăng nguồn cung LNG toàn cầu. Trước đó, nhà máy này đã bán một số lô hàng ra thị trường giao ngay dù chưa vận hành chính thức.

Ông Odaka nhận định, thời tiết ấm hơn mức trung bình tại nhiều khu vực của Mỹ trong nửa cuối tháng 4 đang tạo áp lực khiến giá khí đốt giảm. Tuy nhiên, mức nhu cầu khí đầu vào cho các nhà máy hóa lỏng LNG vẫn cao, giúp kìm hãm phần nào xu hướng giảm giá.

Giá LNG nhập khẩu của châu Âu có thể tăng gấp đôiGiá LNG nhập khẩu của châu Âu có thể tăng gấp đôi
Nguyên nhân khiến giá LNG giao ngay tại Châu Á giảm xuống mức thấpNguyên nhân khiến giá LNG giao ngay tại Châu Á giảm xuống mức thấp
Chính sách thuế mới của ông Trump khiến giá LNG giao ngay ở châu Á xuống thấpChính sách thuế mới của ông Trump khiến giá LNG giao ngay ở châu Á xuống thấp

Nh.Thạch

AFP