Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi):

Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước

13:21 | 13/05/2025

488 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Sáng ngày 13/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự thảo lần này có nhiều nội dung đổi mới, đáng chú ý là việc tăng cường phân cấp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có vốn nhà nước phát huy tính chủ động, tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp tự quyết định chiến lược và kế hoạch kinh doanh

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật là quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty trong việc ban hành và điều chỉnh chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh hàng năm. Quyết định này được căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ và chỉ tiêu do đại diện chủ sở hữu nhà nước giao. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục phê duyệt, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm có 8 Chương, 59 Điều, giảm 3 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Dự thảo đã cắt giảm 7/24 (khoảng 30%) thủ tục hành chính; khoảng 50% số thủ tục trình lên Thủ tướng Chính phủ được cắt giảm hoặc phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu, tăng cường phân cấp cho doanh nghiệp.

UBTVQH cũng chỉ đạo giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này, bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Quy định mới được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc phê duyệt chiến lược, kế hoạch kinh doanh từng xảy ra trong thời gian qua.

Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung phân phối lợi nhuận sau thuế theo hướng chi tiết, chặt chẽ hơn. Theo đó, sau khi chia lãi cho các thành viên góp vốn (nếu có), bù đắp lỗ đã hết thời hạn được trừ và xử lý các chi phí theo quy định, phần còn lại được trích lập quỹ và nộp ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, để kịp thời bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp quan trọng, phục vụ triển khai các dự án lớn, dự thảo quy định rõ: “Lợi nhuận còn lại doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ”. Quy định này nhằm đảm bảo tính chủ động trong điều hành tài chính và đầu tư của doanh nghiệp.

Trước một số ý kiến lo ngại, UBTVQH khẳng định, dự thảo Luật không có quy định hạn chế doanh nghiệp nhà nước tham gia kinh doanh bất động sản. Việc đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và dựa trên hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãng phí và rủi ro.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50%

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định để đảm bảo việc quản lý nhà nước đối với cả các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp dưới 50% vốn điều lệ. Cụ thể, người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần hoặc công ty TNHH hai thành viên trở lên sẽ thực hiện vai trò giám sát, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng vốn nhà nước.

Tăng cường phân cấp, tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước
Các đại biểu tham gia phiên họp

Việc quản lý được thực hiện theo nguyên tắc “ở đâu có vốn nhà nước, ở đó có sự giám sát của Nhà nước”, nhưng đồng thời cũng bảo đảm không can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với mức độ sở hữu vốn.

Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước, dự thảo Luật tiếp tục bám sát chủ trương tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 12-NQ/TW. Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những lĩnh vực thiết yếu, then chốt hoặc nơi doanh nghiệp tư nhân không muốn hoặc không thể tham gia.

Các lĩnh vực ưu tiên gồm: cung ứng dịch vụ công ích thiết yếu, quốc phòng - an ninh, địa bàn trọng yếu, độc quyền tự nhiên, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, công nghệ cao, đầu tư lớn và các công trình hạ tầng trọng điểm mang tính lan tỏa.

Dự thảo Luật với nhiều nội dung đổi mới, phân cấp mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, mà còn góp phần thúc đẩy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong quản trị doanh nghiệp nhà nước. Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Huy Tùng

DMCA.com Protection Status