Thấy gì từ việc hàng loạt quốc gia cắt giảm sản lượng dầu mỏ?
![]() |
Đợt cắt giảm này sẽ bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến hết năm nay, đồng nghĩa với việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2022.
Cụ thể, Riyadh sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày, Iraq 211.000 thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 144.000 thùng/ngày, Kuwait 128.000 thùng/ngày, Algeria 48.000 thùng/ngày và Oman 40.000 thùng/ngày, theo các cơ quan thông tấn chính thức của mỗi quốc gia.
Đợt cắt giảm lần này sẽ diễn ra từ tháng 5 cho đến hết năm 2023, “với sự phối hợp của một số quốc gia thành viên OPEC và OPEC+”, theo Bộ Năng lượng Algeria.
Yếu tố bất ngờ
Những thông báo kể trên được đưa ra trước thềm cuộc họp trực tuyến của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC+.
Hồi tháng 2, các thành viên của JMMC đã “tái khẳng định cam kết” với thỏa thuận được thông qua vào tháng 10/2022, cùng cam kết cắt giảm mạnh 2 triệu thùng dầu/ngày để trợ giá.
Đây là mức cắt giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Ngoài mức cắt giảm đã được quyết định hồi tháng 10/2022, đợt cắt giảm sản lượng dầu lần này diễn ra bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng dầu mỗi ngày từ Mỹ, trong bối cảnh lạm phát phi mã khi Trung Quốc, quốc gia “thèm khát” vàng đen nhất, đang mở cửa lại nền kinh tế sau khi dỡ bỏ hoàn toàn các chính sách ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Thông báo vào tháng 10/2022 đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Washington do lo ngại bước đi này sẽ khiến giá nhiên liệu tăng vọt trong bối cảnh lạm phát cao.
Đợt cắt giảm lần này “được đưa ra sau khi giá dầu chạm mức thấp nhất vào tháng 3 trong 2 năm qua, chạm mức dưới 80 USD/thùng dầu Brent, một mức giá không thể chấp nhận được đối với các thành viên của OPEC+”, chuyên gia dự báo thị trường dầu mỏ Ibrahim al-Ghitani giải thích với AFP.
“Việc cắt giảm sẽ làm thay đổi cơ chế thị trường và hỗ trợ giá dầu đang vượt quá mức hiện tại”, ông cho biết thêm.
Đối với Yesar Al-Maleki, nhà phân tích tại Cơ quan Khảo sát Kinh tế Trung Đông (MEES), nhu cầu dầu đang bị đe dọa bởi “viễn cảnh lạm phát cao và áp lực suy thoái kinh tế”, đồng thời đặt ra câu hỏi về tình trạng hỗn loạn do ngân hàng Silicon Valley Bank của Mỹ phá sản và công cuộc giải cứu Credit Suisse.
Chuyên gia cho biết, mặc dù đợt cắt giảm sản lượng dầu lần này “không hoàn toàn bất ngờ”, nhưng “có yếu tố bất ngờ về số lượng”, bởi vì những đợt giảm này “trên mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày được thông qua vào tháng 10/2022 và kéo dài cho đến hết năm 2023”.
Thị trường “bất ổn”
Phó Thủ tướng phụ trách Năng lượng, ông Alexandre Novak, cho biết Moscow đã tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay.
Ông Novak đề cập đến thời kỳ “bất ổn” trên thị trường vàng đen cũng như đề xuất một “hành động có trách nhiệm và phòng ngừa” nhằm ổn định thị trường.
Đây là một “biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”, theo tuyên bố của một quan chức cấp cao của Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út, được cơ quan SPA dẫn lời.
Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Souhail bin Mohammed al-Mazrouei đã đề cập đến “một sáng kiến tự nguyện”, theo hãng thông tấn nhà nước WAM của UAE.
Theo hãng tin APS của Algérie, các điều khoản tương tự ít nhiều đã được Bộ Năng lượng Algérie đưa ra, đối với quốc gia này, việc cắt giảm là một “sự tự nguyện” và là một “biện pháp phòng ngừa” nhằm ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), được thành lập vào năm 1960 và có trụ sở tại Vienna, với mục đích “phối hợp các chính sách dầu mỏ” của các quốc gia thành viên nhằm đảm bảo “giá cả hợp lý và ổn định cho các nước khai thác dầu mỏ”. OPEC còn thành lập OPEC+ gồm các đồng minh mới như Nga và Oman.
Nh.Thạch
AFP