Tin Thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ

15:36 | 17/04/2025

|
Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ; Giá khí tự nhiên tại Mỹ duy trì sắc xanh, trong khi chỉ số USD chạm mức thấp nhất trong ba năm.
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ

Tính đến đầu giờ chiều nay 17/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 62,89 USD/thùng - tăng 0,67%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 66,2 USD/thùng - tăng 0,53%.

Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ do triển vọng nguồn cung thắt chặt hơn. Điều này xảy ra sau khi Washington áp đặt thêm lệnh trừng phạt nhằm hạn chế hoạt động buôn bán dầu của Iran, cùng với cam kết của một số nhà sản xuất OPEC cắt giảm sản lượng hơn nữa để bù đắp cho việc khai thác vượt mức đã thỏa thuận.

Tổ chức OPEC cho biết, họ đã nhận được kế hoạch cập nhật từ Iraq, Kazakhstan và một số quốc gia khác về việc cắt giảm sản lượng để bù đắp cho việc khai thác vượt hạn ngạch.

Michael McCarthy, CEO của nền tảng đầu tư trực tuyến Moomoo, nhận định sự sụt giảm lớn trong lượng dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ cùng mức tăng nhỏ hơn dự kiến ​​trong lượng dự trữ dầu thô hàng tuần cũng thúc đẩy thị trường.

Theo ông McCarthy, phần lớn áp lực bán gần đây trên thị trường dầu thô toàn cầu liên quan đến nỗi lo về tình trạng tràn ngập dầu thô của Mỹ sắp xảy ra, nhưng sự sụt giảm trong hoạt động lọc dầu cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể đang xuất hiện.

Tổ chức Thương mại Thế giới cho biết họ dự kiến ​​thương mại hàng hóa sẽ giảm 0,2% trong năm nay, giảm so với kỳ vọng tăng trưởng 3,0% đưa ra hồi tháng 10.

Giá khí tự nhiên tại Mỹ duy trì sắc xanh

Ghi nhận vào đầu giờ chiều 17/4 (giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng nhẹ 0,4% lên mức 3.260 USD/mmBTU tại thời điểm khảo sát. Điều này phản ánh sự cân bằng giữa nguồn cung dồi dào và nhu cầu tăng trưởng, đặc biệt từ xuất khẩu LNG và các lĩnh vực tiêu thụ nội địa.

Sản lượng khí tự nhiên tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục, với sản lượng trung bình ở 48 tiểu bang lục địa đạt 106,3 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) trong tháng 4/2025, và đỉnh điểm hàng ngày đạt 107,4 bcfd.

Các dự án xuất khẩu LNG mới tại Mỹ, như Plaquemines LNG và Corpus Christi Stage 3, dự kiến sẽ tạo thêm nhu cầu khoảng 3,5 bcfd, nâng tổng lượng khí tiêu thụ cho xuất khẩu LNG từ khoảng 13 bcfd hiện tại lên 17 bcfd vào cuối năm 2025.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm cách mua thêm LNG của Mỹ nhằm giảm thặng dư thương mại, từ đó thoát khỏi mức thuế quan cao mà chính quyền Tổng thống Trump đã công bố áp đặt.

Mức giá khí tự nhiên cao hơn có thể bắt đầu làm giảm nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nhạy cảm với chi phí, nơi chi phí năng lượng cao có thể thúc đẩy việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

Ngoài ra, chênh lệch giá giữa khí tự nhiên của Mỹ và Châu Âu có thể thu hẹp, ảnh hưởng đến lợi nhuận từ xuất khuất LNG.

Chỉ số USD chạm mức thấp nhất trong ba năm

Đồng USD đã giảm 0,7% vào hôm 15/4, đánh dấu ngày giảm thứ năm liên tiếp, khi thị trường tiếp tục đánh giá lại vị thế của đồng tiền này đối với nền kinh tế toàn cầu.

Chỉ số DXY, theo dõi giá trị của đồng USD so với một rổ gồm các đồng tiền khác, đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm.

Chỉ số USD hiện đã giảm hơn 4% kể từ ngày Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế đối với hầu hết các nước trên thế giới vào đầu tháng 4, khi các nhà đầu tư bán tài sản của Mỹ vì lo ngại về triển vọng tăng trưởng của đất nước.

Trong các bình luận vào cuối tuần vừa ua, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng đồng USD sẽ luôn là đồng tiền được lựa chọn. Tuy nhiên, Michael Brown, chiến lược gia nghiên cứu cấp cao tại Pepperstone cho biết có nguy cơ "rời xa giai đoạn kéo dài hàng thập kỷ của đồng USD và sự bá quyền của Mỹ".

Brown lưu ý rằng, hiện tại không có lựa chọn thay thế nào cho đồng USD làm đồng tiền dự trữ và các mức thuế quan làm lung lay niềm tin vào đồng USD vào tuần trước đã tạm thời bị tạm dừng.

"Phi USD hóa hiện là một viễn cảnh thực sự và thành thật mà nói nó rất đáng sợ", ông Brown nhấn mạnh.

Bình An