Tin tức kinh tế ngày 6/8: Kiến nghị gia hạn thời gian giảm thuế cho doanh nghiệp
VCCI kiến nghị gia hạn thời gian giảm thuế cho doanh nghiệp
Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính góp ý Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của COVID-19. VCCI đề nghị “tăng thời hạn hỗ trợ” đến tháng 6-2022. Bởi vì từ 2020 đã có bốn đợt COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh. VCCI cũng kiến nghị giảm thuế VAT cho các loại hình dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… lên 50% thay vì 30% như dự kiến.
VPBank tài trợ 1.000 máy thở oxy dòng cao cho phía Nam
Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biễn phức tạp ở hầu khắp 19 tỉnh thành khu vực phía Nam, dẫn đến nhu cầu về thiết bị hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân tăng cao, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) quyết định tài trợ thêm 1.000 máy thở oxy dòng cao HFNC để phục vụ công cuộc phòng chống dịch. Trong các ngày 5/8 và 6/8, 3 chuyến bay đặc biệt chở 1.000 máy thở do VPBank tài trợ đã đến TP.HCM. Máy thở được bàn giao ngay cho Bộ Y tế để phân bổ kịp thời cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam, hỗ trợ công tác điều trị Covid-19.
80% sàn giao dịch bất động sản phải dừng hoạt động
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm này, hầu như chỉ có các sàn giao dịch bất động sản thuộc những doanh nghiệp quy mô lớn, có tiềm lực tài chính và trực tiếp làm chủ đầu tư dự án như: công ty cổ phần dịch vụ địa ốc Đất Xanh Miền Bắc, công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Bất động sản Hải Phát Land, Tập đoàn Cengroup… mới tiếp tục duy trì hoạt động.
Còn lại, khoảng 80% số lượng các sàn giao dịch bất động sản chỉ làm trung gian môi giới thì hầu như đang phải tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân chính là do đại dịch Covid bùng phát lần thứ 4, kéo dài và diễn biến biến phức tạp hơn những lần trước, cùng với đó, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã, đang và tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Các sàn giao dịch bất động sản chưa kịp phục hồi hoàn toàn từ những lần bùng phát dịch trước, nay, phải chịu tác động nặng nề hơn.
Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Thứ nhất, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; Thứ hai, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế.
Thứ ba, giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; Thứ tư, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 là hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.
Tính chung các giải pháp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các giải pháp đề xuất bổ sung nêu trên, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138.000 tỷ đồng. Trong đó gói gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành khoảng 118.000 tỷ đồng.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã
Trong những ngày cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2021, hàng loạt doanh nghiệp lại thông báo tiếp tục tăng giá bán thức ăn chăn nuôi. Giới chăn nuôi choáng váng, bởi việc tăng giá thức ăn lần này trong bối cảnh giá gà công nghiệp xuất chuồng đã xuống dưới ngưỡng 10.000 đồng/kg – thấp nhất trong 15 năm qua, giá lợn hơi xuất chuồng cũng đã xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, khiến người chăn nuôi thua lỗ trầm trọng...
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 7/2021, sản lượng thức ăn gia súc đạt 1,076 triệu tấn; tính chung 7 tháng đầu đạt 7,143 triệu tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù sản lượng thức ăn gia súc rất lớn, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên liệu nhập khẩu. Còn theo Tổng cục Hải quan, cho thấy kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 2,46 tỷ USD, tăng 32,5% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Nếu không có những giải pháp điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, sẽ dẫn đến người chăn nuôi ngừng việc tái đàn. Khi dịch Covid -19 được kiểm soát, rất dễ dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, nguy cơ Tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ thiếu thịt lợn, thịt gà.
Xuất khẩu thủy sản sụt giảm
Sau khi tăng 16% vào nửa đầu tháng, xuất khẩu thủy sản nửa cuối tháng 7/2021 đã sụt giảm khoảng 15% -20% so với nửa đầu tháng. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng 7/2021 chỉ đạt 763 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái...
Triển vọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2021 đang rất khả quan, nhưng đã bị chững lại khi làn sóng Covid lần thứ 4 bùng phát dữ dội ở khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản là TP.HCM và vùng Đồng bằng sống Cửu Long đúng vào giai đoạn cao điểm. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, với thực tế khó khăn hiện nay, xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm chắc chắn sẽ tuột dốc, nếu không có giải pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu và trực tiếp thúc đẩy sinh kế cho công nhân, nông-ngư dân trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh Covid-19.
M.C