Tòa án bác bỏ đơn kiện một siêu dự án dầu của TotalEnergies
Tòa án Công lý Đông Phi, có trụ sở tại thành phố Arusha của Tanzania, đã tuyên bố rằng tòa không đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện dân sự đệ trình vào năm 2020, với lý do là vì đơn kiện được đệ trình quá muộn. Siêu dự án TotalEnergies có tên gọi là EACOP và là đối tượng trong thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỷ USD với Uganda, Tanzania và CNOOC của Trung Quốc. Mục tiêu của dự án bao gồm kế hoạch khoan 419 giếng dầu ở phía Tây Uganda và xây dựng một đường ống dẫn dầu dài tổng cộng 1.443 km nối các mỏ của hồ Albert với bờ biển Tanzania trên Ấn Độ Dương. Dự án này được Tổng thống Uganda Yoweri Museveni ủng hộ nhưng vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ những người bảo vệ môi trường vì có tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái và đời sống của người dân trong khu vực. Các nhóm xã hội dân sự cho rằng quyết định của Tòa án Công lý Đông Phi là bất công. "Phán quyết cho thấy các nước phương Bắc và các cơ quan chính phủ ở châu Phi vẫn mù quáng trước hành vi phá hủy môi trường và tác động của dầu khí đối với khí hậu", Lucien Limacher từ tổ chức bảo vệ môi trường Natural Justice, hoạt động ở châu Phi, cho biết trong một tuyên bố. Hồi tháng 9, bốn hiệp hội bảo vệ môi trường gồm Liên minh Darwin Climax, Sea Shepherd France, Wild Legal và Stop EACOP-Stop Total ở Uganda đã đệ đơn khiếu nại hành vi "diệt khí hậu" của siêu dự án dầu TotalEnergies. Hồ Albert ở phía Tây Uganda có trữ lượng dầu mỏ tương đương với 6,5 tỷ thùng dầu thô, trong đó khoảng 1,4 tỷ thùng có thể khai thác được. |
Những lô dầu đầu tiên của Uganda dự kiến sẽ được khai thác vào năm 2025, gần 2 thập kỷ sau khi phát hiện trữ lượng dầu mỏ. Tổng thống Uganda Yoweri Museveni tung hô mỏ dầu này là một lợi ích kinh tế đối với một quốc gia có nhiều người dân vẫn phải sống trong cảnh nghèo đói.
Nh.Thạch
AFP
- Giới buôn bán dầu mỏ lao đao vì thị trường đầy biến động
- Thỏa thuận hạt nhân mới với Iran sẽ ảnh hưởng gì tới giá dầu?
- Aramco - BYD bắt tay phát triển xe năng lượng mới
- An ninh năng lượng trong bối cảnh chính trị, công nghệ và kinh tế biến động
- Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ