TP Hồ Chí Minh: Phát triển kinh tế ban đêm thúc đẩy phát triển du lịch
![]() |
![]() |
![]() |
Phố đi bộ Bùi Viện (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) hiện nay thu hút du khách đến tham gia các loại hình vui chơi, giải trí rất đông. Tuy nhiên, thực tế các hoạt động tại đây vẫn còn đơn điệu và không có nét đặc sắc. (Ảnh: Nguyễn Hoàng) |
Thuận lợi và thách thức
Kinh tế ban đêm là các hoạt động kinh doanh dịch vụ từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, như ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. TP Hồ Chí Minh hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ban đêm. Có thể kể kể đến các thế mạnh sau: tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có dân số trẻ, đông và sống tụ tập tại thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu; nền chính trị ổn định. Thực tế tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua nhộn nhịp nhất với nhiều hoạt động như phố đi bộ (phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện), phố ẩm thực, chợ đêm, và sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi...
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa, hiện nay, phát triển kinh tế ban đêm được xác định là một giải pháp chiến lược để thúc đẩy sự phục hồi cho ngành du lịch sau đại dịch. Xu hướng hiện nay của khách du lịch đang có chiều hướng giảm về tần suất đi du lịch nhưng lại gia tăng thời gian tham gia trong một chương trình du lịch (tour). Vì thế ngoài việc phát triển các sản phẩm du lịch cho du khách tham quan, trải nghiệm ban ngày thì mỗi địa phương cũng muốn phát triển thêm các sản phẩm, các hoạt động về đêm. Đây cũng là cách để thúc đẩy gia tăng chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú.
“Kinh tế ban đêm góp phần phát triển nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chổ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Lê Trương Hiền Hòa cho biết.
Tuy nhiên, kinh tế ban đêm của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn hạn chế và đơn điệu, chưa phát triển được thương hiệu hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là một trong những lý do khiến doanh thu du lịch và mức chi tiêu của khách du lịch đến một địa phương chưa cao. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế cảm thấy thiếu hấp dẫn vì không có nhiều lựa chọn để vui chơi, thư giãn về đêm.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam" với mục tiêu khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đề án này cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các tỉnh, thành có ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn, thì dịch vụ giải trí về đêm lại vẫn chưa được xem trọng, đầu tư.
Hoạt động kinh tế ban đêm trong thực tế vừa qua cũng xuất hiện thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro về vấn đề an toàn xã hội địa phương và an ninh trật tự. Những phản ảnh của dân cư về chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh (lấn chiếm vỉa hè, lòng đường), ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn, rác thải; phòng cháy chữa cháy, và tệ nạn xã hội (tội phạm, mại dâm, các vấn đề văn hóa không phù hợp thuần phong mỹ tục địa phương) phát sinh khó lường và gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Những vấn đề trên cũng gây những áp lực không nhỏ về cung cấp hệ thống hạ tầng thiết yếu về cung cấp điện, nước, xử lý chất thải sinh hoạt,...
Thách thức lớn nhất làm cản trở sự phát triển bình thường của các hoạt động kinh tế ban đêm thời gian qua là do mô hình kinh tế ban đêm còn khá mới mẻ và còn có nhận thức khác nhau nên cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp những lúng túng trong việc quản lý các khu vực trung tâm, đô thị có hoạt động kinh tế ban đêm.
![]() |
Nhà hát TP Hồ Chí Minh - một địa điểm văn hóa, là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật, có thế mạnh để phát triển kinh tế ban đêm. (Ảnh minh họa) |
Cần nhiều giải pháp để “thắp sáng” kinh tế ban đêm
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch nhìn nhận, việc phát triển kinh tế ban đêm đối với Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh sẽ còn là chặng đường dài, mà trước hết là đảm bảo một khung cơ chế, chính sách, trong đó bao gồm cả cơ chế, chính sách tài chính, để xây dựng hành lang thông suốt cho sự phát triển của lĩnh vực này. Ngoài việc xây dựng lộ trình, chiến lực phát triển đối với kinh tế ban đêm đảm bảo thống nhất và phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cũng như định hướng kinh tế - xã hội của quốc gia, cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính cho các đối tượng tham gia vào hoạt động kinh tế ban đêm, ít nhất là ở giai đoạn đầu để khuyến khích các chủ thể tham gia tích cực vào hoạt động kinh tế ban đêm.
Lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, để “thắp sáng” kinh tế ban đêm, cần có cơ chế, chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế ban đêm để từ đó quản lý đồng bộ, toàn diện. Trong đó, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm (tập trung quy định về khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên; thời gian, giấy phép, tiêu chuẩn hoạt động...). Tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ. Vận dụng nguồn lực nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp thông qua quảng cáo, truyền thông trên các màn hình LED lớn tại các điểm công cộng. Đây cũng là “công cụ” để tăng cường tuyên truyền, công tác quản lý, hỗ trợ tích cực cho các lực lượng chuyên trách trong việc quản lý các khu phố, khu vực phát triển kinh tế ban đêm.
Một trong những giải pháp nữa đó là cần tập trung phát huy thế mạnh của du lịch vùng/miền, du lịch văn hóa - lịch sử, bởi một trong những xu hướng của khách du lịch đặc biệt là du khách quốc tế hiện nay là muốn được khám phá sâu hơn, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa - lịch sử ở mỗi điểm đến. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về hệ thống di sản, di tích phong phú, là cơ sở để hình thành nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, đa dạng. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch văn hóa luôn là sản phẩm hấp dẫn đối với du khách.
Vì vậy, mỗi địa phương cần hướng đến đúng nguồn khách và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt cần quan tâm đến hoạt động nghệ thuật đặc trưng, có bản sắc riêng để giữ chân du khách; những chương trình (show) biểu diễn nghệ thuật có chiều sâu của văn hóa, lịch sử nhưng cũng vừa có độ hoành tráng và sự mới mẻ theo xu hướng của thế giới luôn là sản phẩm chính thu hút khách tham gia và chi tiêu mạnh về đêm.
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch văn hóa có đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng lên 15% mỗi năm. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, có khoảng 56% khách quốc tế chủ yếu tìm hiểu về giá trị văn hóa - lịch sử, trong khi đó khách nội địa tìm hiểu về giá trị văn hóa - lịch sử chiếm khoảng 28%. |
Ngọc Mai/ Trang tin Điện tử Đảng bộ TP Hồ Chí Minh
https://dulich.petrotimes.vn/
- Khai mạc chuỗi sự kiện chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
- Bà Rịa - Vũng Tàu: Đa dạng các hoạt động kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
- Nhiều điểm mới tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025
- Nhiều hoạt động đặc sắc trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2025
- Du xuân đầu năm với những lễ hội nổi tiếng 3 miền