Vận hành cả năm vẫn chưa có hướng dẫn với hệ thống điện mặt trời tại Khu công nghiệp
Mới đây, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và GreenID tổ chức tọa đàm trực tuyến "Điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tháo gỡ những bất cập trong triển khai lắp đặt”.
Theo thông tin từ tọa đàm, lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam đã có những phát triển vượt bậc. Bên cạnh các nhà máy điện mặt trời, mô hình điện mặt trời áp mái cũng phát triển khá nhanh chóng. Số liệu từ EVN cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có khoảng 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới 9.296MWp và tổng sản lượng phát lên lưới từ điện mặt trời mái nhà lũy kế đến nay đạt hơn đạt 1,15 tỷ MWh, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Các đại biểu tham dự tọa đàm đã đưa ra nhiều vấn đề và cùng đại diện cơ quan quản lý mổ xẻ, đưa ra giải pháp tháo gỡ.
![]() |
Nhiều vướng mắc trong phát triển điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp cần được tháo gỡ. |
Thông tin trên Báo Tin tức, ông Phạm Trọng Quý Châu, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Năng lượng tái tạo Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) cho biết, đến thời điểm hiện tại, dù đã trải qua 9 tháng kể từ khi chính sách giá FIT 2 đã hết thời hạn áp dụng, và hầu hết các hệ thống điện mặt trời mái nhà đều đã vận hành ổn định thì những khó khăn, vướng mắc vẫn tồn tại đó và cần tiếp tục được kiến nghị, xem xét, giải quyết bởi các bộ ngành có liên quan.
Cũng theo ông Châu, việc Chính phủ chưa ban hành quyết định FIT 3 quy định mức giá mua điện mới từ hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà cũng là một khó khăn đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Công Thương và EVN chưa có hướng dẫn tiếp theo về thủ tục xin và chấp thuận đấu nối, hợp đồng mua bán điện, thanh toán tiền điện mua từ các hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà. Do đó, đại diện Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh kiến nghị EVN cần có giải pháp hợp lý và tối ưu trong việc giải quyết việc cắt giảm mua điện từ hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Cũng bàn về những khó khăn, tờ Vneconomy dẫn lời bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, giá điện FIT chỉ nên ở giai đoạn đầu, còn hiện tại phải hướng tới thúc đẩy thị trường. Nhưng khi triển khai thực tế doanh nghiệp gặp nhiều rào cản liên quan tới pháp luật hiện hành. Nhiều quy định được xây dựng cách đây hàng chục năm thậm chí hơn chục năm.
Do đó, nếu lựa chọn phát triển năng lượng tái tạo, cần lắng nghe doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan liên quan để thay đổi những chính sách hiện còn bất cập, tạo chính sách thu hút đầu tư cho năng lượng sạch, dung dưỡng các nguồn đầu tư. Chính sách cũng cần ổn định, tránh gián đoạn.
Thông tin trên báo Kinh tế đô thị, ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN cho Chính phủ chưa có chính sách mua điện với các dự án điện mặt trời áp mái sử dụng cho các khu công nghiệp nên đơn vị chưa biết trả tiền như thế nào. Do đó, đối với các khu công nghiệp đấu nối vào lưới thì sẽ có trường hợp phát lên lưới. Với thời điểm công suất sử dụng thấp như hiện nay thì việc phát lên lưới sẽ gây nguy hiểm cho an ninh lưới điện. Còn nhà dân phát lên rất nhỏ nên mức độ ảnh hưởng không cao. Do đó, đơn vị vẫn đang chờ hướng dẫn.
Theo báo Thanh niên, trả lời câu hỏi “khi nào cơ chế hỗ trợ cho điện mặt trời mái nhà có và khi nào có giá cố định (giá FIT3)”, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay cơ quan này đang xây dựng quy định mới.
“Giá bán sẽ không cố định và nếu có sẽ cho bán điện dư với giá bán theo khung giá khác. Chúng tôi đang nghiên cứu khung giá này và Bộ Công thương sẽ ban hành khung giá hàng năm và chúng ta cũng không đi theo cơ chế bù trừ trong năm”, ông Hùng nói.
Về các chính sách thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái trong thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho rằng sẽ tiếp tục nghiên cứu và tận dụng tối đa hạ tầng lắp đặt điện mặt trời áp mái và phù hợp với nhu cầu sử dụng tại chỗ.
“Phần chênh lệch đó có thể bán lên lưới điện thì làm sao có cơ chế để tận dụng tốt, hài hòa với việc mua điện của EVN hoặc đơn vị khác. Tránh tình trạng lợi dụng chính sách, làm rõ và khích lệ cho các nhà đầu tư khai thác tốt trên hạ tầng có sẵn”, ông Hùng nói thêm.
X.Hinh (tổng hợp)
-
Tin thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay trở lại sắc đỏ
-
Quý I/2025: Thu ngân sách nhà nước tăng 29%
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/4: Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới về điện gió
-
[Infographic] Diễn biến giá vàng tuần qua (14/4-20/4)
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?