Xuất nhập khẩu 2021: Ấn tượng và kỷ lục
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát dữ dội đã 'chặt đứt' chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Khi đó, nhiều chuyên gia và các cơ quan chuyên môn tỏ rõ sự "sốt ruột" cho mục tiêu tăng trưởng của cả năm. Tuy nhiên, những lo lắng đó đã được thay bằng cảm xúc vỡ òa khi kết thúc năm 2021, xuất khẩu lại thêm một lần làm nên kỳ tích...
![]() |
Năm 2021, cảng TCIT được xếp hạng là 1 trong 50 cảng biển hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới. |
Theo số liệu mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng trị giá xuất khẩu của cả nước đến hết ngày 15/12/2021 đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, không những xuất khẩu đã “xô đổ” kỷ lục 282,65 tỷ USD của cả năm 2020, mà còn đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.
Những con số cụ thể, trong 15 ngày đầu tháng 12/2021, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt 15,78 tỷ USD, giảm 8,3% (tương ứng giảm 1,42 tỷ USD về số tuyệt đối) so với 15 ngày cuối tháng 11/2021.
Tính chung từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2021, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7% (tương ứng tăng 50,12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 10,5 tỷ USD; sắt thép các loại tăng 6,36 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 6 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 5,71 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 2,38 tỷ USD...
![]() |
Nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các thiết bị, máy móc có giá trị lớn. |
Từ chiều ngược lại, trong 15 ngày đầu tháng 12/2021, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam đạt 15,53 tỷ USD, tương đương so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 11/2021. Lũy kế từ đầu năm đến hết 15/12/2021, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 315,78 tỷ USD, tăng 27,3% (tương ứng tăng 67,77 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Một số nhóm hàng tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,25 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 9,2 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,7 tỷ USD; sắt thép các loại tăng 3,3 tỷ USD…
Như vậy, trong 15 ngày đầu tháng 12/2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 250 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dự 1,67 tỷ USD.
Đánh giá cao kết quả xuất khẩu thời gian qua, một số chuyên gia nhấn mạnh, đây là thành tựu rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam bởi năm vừa qua, cả nước đã chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát lần thứ tư đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả hai miền Nam - Bắc.
Vượt qua những khó khăn chồng chất, các doanh nghiệp vẫn duy trì và phục hồi sản xuất nhanh chóng. Đặc biệt, các ngành xuất khẩu chủ lực (như: dệt may, da giày, gỗ, hàng nông sản, linh kiện…) dù chịu tác động lớn của dịch bệnh, nhưng các doanh nghiệp vẫn hoàn thành đơn hàng và đạt kế hoạch sớm hơn dự kiến.
Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhận định, năm 2021 là một năm đầy khó khăn với doanh nghiệp do tác động nặng nề của dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng loạt ngành nghề sản xuất bị đình, hoãn, chậm trả, thậm chí dừng, hủy đơn hàng.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào kết quả ấn tượng của hoạt động xuất nhập khẩu.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã triển khai hiệu quả các chương trình hành động, ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Vì vậy, không ít lĩnh vực, ngành hàng đã tìm hướng đi và “thoát hiểm” từ các chương trình kết nối giao thương qua hình thức trực tuyến, đa dạng thị trường thay vì chỉ xuất khẩu sang những thị trường truyền thống.
![]() |
Việt Nam xếp vị trí thứ 22 trên thế giới về xuất nhập khẩu. |
Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu cũng từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này đã góp phần giúp cán cân thương mại đảo chiều, xuất khẩu không những được giữ vững mà còn lập nên kỳ tích mới.
Một yếu tố quan trọng đóng góp tích cực cho thành tích xuất, nhập khẩu năm 2021 đó là động lực đến từ các Hiệp định thương mại (FTA) được các doanh nghiệp Việt Nam vận dụng hiệu quả, chủ động và linh hoạt hơn trong khai thác cơ hội để phát triển thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương dẫn chứng, tăng trưởng xuất khẩu sang 2 thị trường mà Việt Nam mới có FTA là Canada và Mexico liên tục duy trì ở mức 2 con số. Thị trường nhỏ như Peru cũng tăng trưởng, có giai đoạn lên đến 300%. Các thị trường EU, thị trường Anh cũng tăng trưởng 2 con số. Đó là những tín hiệu rất đáng mừng đối với nền kinh tế mở, linh hoạt bậc nhất thế giới của nước ta.
Tùng Dương
Ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu Lạng Sơn là tất yếu | |
Hàng hóa Việt Nam sẵn sàng với các vụ kiện phòng vệ thương mại |
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/4: Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới về điện gió
-
[Infographic] Diễn biến giá vàng tuần qua (14/4-20/4)
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện