Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ

09:15 | 22/04/2025

58 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù triển vọng dài hạn cho thấy nhu cầu dầu đang chững lại, giá dầu vẫn có thể bật tăng trong ngắn hạn, do những biến động khó lường từ địa chính trị và thay đổi chính sách thương mại.
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
Căng thẳng địa chính trị thắng thế triển vọng dài hạn u ám trên thị trường dầu khí. Hình minh họa

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là các đòn áp thuế mới, đang tạo sức ép lên nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn kỳ vọng vào khả năng giá dầu tăng trở lại nếu xảy ra những cú sốc như gián đoạn nguồn cung, lệnh trừng phạt bất ngờ hoặc điều chỉnh chính sách đột ngột.

Ba tổ chức lớn - IEA, EIA và OPEC+ - đều đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025. Điều này cho thấy thị trường đang bước vào giai đoạn khó khăn, với nhiều yếu tố cơ bản suy yếu. Tuy vậy, thị trường dầu vẫn rất “nhạy cảm” với các yếu tố địa chính trị. Trong tuần qua, giá dầu thô nhẹ tăng 5,18%, lên mức 64,01 USD/thùng, cho thấy tâm lý thị trường dễ dao động trước các tin tức nóng.

Nhu cầu yếu: Cắt giảm quá đà hay mới chỉ bắt đầu?

Xung đột thương mại khiến niềm tin vào tăng trưởng nhu cầu dầu lung lay. EIA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 chỉ tăng 900.000 thùng/ngày, trong khi IEA thậm chí còn thấp hơn, chỉ 730.000 thùng/ngày - mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay (không tính thời kỳ đại dịch COVID-19).

Ngoài yếu tố thuế quan, tình hình khai thác ảm đạm tại châu Á và tiêu dùng suy yếu tại Mỹ cũng góp phần khiến triển vọng trở nên bi quan.

Tuy nhiên, nhiều nhà giao dịch cho rằng, chỉ cần những thay đổi chính sách như Mỹ nới lỏng thuế hoặc Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế, niềm tin tiêu dùng dầu có thể phục hồi nhanh, dù chỉ trong ngắn hạn.

Nguồn cung vượt cầu, hay địa chính trị sẽ khiến thị trường thêm căng?

Từ tháng 5, OPEC+ dự kiến tăng sản lượng, dù chính họ vừa hạ dự báo nhu cầu dầu. Trong tháng qua, giá dầu Brent đã giảm 13%, hiện dao động quanh mốc 64 USD/thùng. EIA cũng điều chỉnh giảm dự báo giá dầu Brent năm 2025 xuống 67,87 USD/thùng, và có thể còn thấp hơn trong năm 2026.

Tuy nhiên, nếu các rủi ro nguồn cung xuất hiện - như lệnh trừng phạt Iran được siết chặt hơn hoặc hạ tầng dầu khí Nga gặp sự cố - khoảng dư địa sản lượng toàn cầu có thể nhanh chóng bị thu hẹp.

Trong khi đó, sản lượng dầu đá phiến Mỹ vẫn ổn định. Dù số giàn khoan hoạt động giảm nhẹ (khoảng 5% so với cùng kỳ năm ngoái), sản lượng vẫn dự kiến đạt 13,5 triệu thùng/ngày vào năm 2026, nhờ cải thiện hiệu suất thay vì đầu tư mở rộng.

OPEC+ sẽ gặp khó vì bài toán tuân thủ?

Dù OPEC+ tuyên bố tăng sản lượng, hiệu quả thực tế sẽ phụ thuộc vào khả năng tuân thủ của các nước thành viên. Kazakhstan gần đây liên tục vượt hạn ngạch, làm dấy lên lo ngại về kỷ luật trong khối. Nếu nhiều nước khác cũng “phá rào”, tồn kho toàn cầu có thể tăng nhanh hơn dự kiến.

Tuy nhiên, chỉ cần OPEC+ phát tín hiệu hoãn hoặc rút lại kế hoạch tăng sản lượng, thị trường sẽ phản ứng ngay lập tức, nhất là khi nhu cầu đang dần ổn định trở lại.

Chiến thuật tăng giá trong bối cảnh dài hạn suy yếu?

Nhìn chung, thị trường đang nghiêng về xu hướng giảm: Nhu cầu yếu, nguồn cung dồi dào và dự báo giá đều không mấy khả quan trong những quý tới.

Tuy nhiên, vẫn còn chỗ cho các đợt tăng giá mang tính chiến thuật. Những yếu tố như Trung Quốc kích cầu, Mỹ nới lỏng thuế quan, hay bất ổn địa chính trị bất ngờ hoàn toàn có thể tạo sóng.

Dù triển vọng đến giữa năm 2025 khá ảm đạm, thị trường dầu vẫn đầy biến số. Trong môi trường pha trộn giữa rủi ro vĩ mô và cú sốc chính trị, cơ hội sẽ dành cho những nhà đầu tư nhạy bén, theo sát diễn biến toàn cầu và biết chớp thời cơ.

Phân tích và dự báo thị trường dầu khí toàn cầu tuần quaPhân tích và dự báo thị trường dầu khí toàn cầu tuần qua
Rủi ro kinh tế và bất ổn thuế quan đè nặng lên thị trường dầu khíRủi ro kinh tế và bất ổn thuế quan đè nặng lên thị trường dầu khí
Phân tích thị trường dầu khí trong tháng 3/2025Phân tích thị trường dầu khí trong tháng 3/2025

Nh.Thạch

AFP