Đại sứ Marri Kohdayar: Du lịch Halal ở Việt Nam đang trong giai đoạn khởi đầu
![]() |
Đại sứ Marri Kohdayar |
Sự kiện là một trong những hoạt động cụ thể hóa Đề án phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hội thảo có sự tham dự của gần 150 đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các nhà ngoại giao, chuyên gia, học giả, doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức chứng nhận Halal, cùng đại diện các Đại sứ quán Azerbaijan, Pakistan, Iran, Palestine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nội dung chương trình tập trung làm rõ xu hướng toàn cầu về ngành công nghiệp Halal, thực trạng và cơ hội phát triển du lịch Halal tại Hà Nội, cũng như đề xuất các giải pháp chính sách, kết nối và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ thị trường du lịch Hồi giáo. Sau sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Marri Kohdayar, đại sứ Pakistan tại Việt Nam.
PV: Thưa ông, tại sao ông lại chọn tham gia sự kiện này với vai trò là đồng tổ chức?
Đại sứ Marri Kohdayar: Tôi rất vui khi hội thảo diễn ra thành công hơn mong đợi. Trường cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng là một trong những đơn vị đi đầu về đào tạo lĩnh vực này. Lý do tham gia sự kiện này là vì tôi mong muốn công chúng Việt Nam hiểu rõ hơn về những nhu cầu du lịch của người Hồi giáo cũng như mong muốn xây dựng một cây cầu vững chắc hơn giữa hai nền văn hóa của Việt Nam và Pakistan.
PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về tình hình du lịch Halal hiện nay tại Việt Nam?
Đại sứ Marri Kohdayar: Hiện tại, du lịch Halal ở Việt Nam đang trong giai đoạn khởi đầu. Mới chỉ có một số nhà hàng phân bố rải rác tại các thành phố lớn trong cả nước. Tuy nhiên, lĩnh vực này cần được nhấn mạnh nhiều hơn và cần có một bản đồ rõ ràng hơn cho du lịch Halal.
PV: Theo ông thì những lợi ích chính của việc thúc đẩy du lịch Halal là gì?
Đại sứ Marri Kohdayar: Việc thúc đẩy du lịch Halal sẽ giúp Việt Nam trở nên dễ tiếp cận hơn đối với du khách từ các quốc gia Hồi giáo, đồng thời tăng khả năng khách sẽ quay trở lại. Khi khách du lịch đến từ những quốc gia Hồi giáo có được một trải nghiệm thoải mái và dễ dàng, họ sẽ hào hứng khám phá thêm đất nước của các bạn và thường xuyên quay lại.
PV: Việt Nam nên thực hiện những biện pháp nào để phát triển hiệu quả lĩnh vực này thưa ông?
Đại sứ Marri Kohdayar: Các bạn cần có thêm nhà hàng, khách sạn và các cơ sở phục vụ cho người Hồi giáo, như cung cấp thực phẩm Halal, phòng cầu nguyện… Các cơ sở lưu trú hay nhà hàng cũng nên thiết lập một khu vực riêng không dành cho đồ uống có cồn, giống như cách chúng ta tách khu vực hút thuốc và không hút thuốc hiện nay. Khách du lịch Hồi giáo cũng cần được giải thích rõ ràng vì họ không chắc rằng liệu nhu cầu của họ có được hiểu và tôn trọng hay không.
PV: Ông có thể chia sẻ một số ví dụ về những quốc gia đã phát triển thành công du lịch Halal không?
Đại sứ Marri Kohdayar: Chuyến đi gần đây nhất của tôi đến Viêng chăn, Lào. Khi tôi đến khách sạn, họ đã chuẩn bị sẵn thảm cầu nguyện và đánh dấu hướng cầu nguyện cho tôi. Họ hiểu rõ yêu cầu về ăn uống của tôi và biết rằng đang là tháng Ramadan. Vì vậy, họ đã gửi bữa sáng cho tôi trước khi mặt trời mọc và chuẩn bị bữa tối sau khi mặt trời lặn. Hành động đó thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu và tôn trọng đối với niềm tin tôn giáo của tôi. Điều đó đã khuyến khích tôi lần sau quay lại và ở lại khách sạn lần trước. Những trải nghiệm liền mạch như vậy sẽ rất có lợi cho các du khách Hồi giáo đến từ châu Âu, châu Á, châu Phi hoặc vùng Địa Trung Hải.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
P.V