Đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong cải cách doanh nghiệp Nhà nước
Theo TS. Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng, khu vực kinh tế Nhà nước đang tồn tại nhiều bất ổn cần phải nhanh chóng thay đổi. Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và DNNN nắm cổ phần chi phối đang chiếm đến 40% tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng và gần 100% tổng đầu tư từ Ngân sách Nhà nước, nhưng có thể chiếm đến 70% nợ xấu của các ngân hàng.
Theo Bộ Tài chính, có đến 30/85 tập đoàn và tổng công ty có tỉ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp trên 3 lần, đặc biệt có 7 tập đoàn và tổng công ty tỉ số này đã lên đến 10 lần. Đây là tỉ số nợ/vốn chủ sở hữu quá lớn mà đáng lẽ ra nó không được vượt quá 2 lần.
Bên cạnh đó, tuy được hưởng nhiều ưu đãi từ đầu vào đến đầu ra: Trên 80% nguồn tài nguyên rừng, mỏ, khoáng, ODA và hơn 650 ngàn tỷ đồng vốn chủ sở hữu không phải nộp lợi tức… nhưng các DNNN chỉ tạo ra khoảng 37% GDP của cả nước, trong khi đó, các thành phần kinh tế khác tạo ra hơn 60% GDP thì hầu như không được ưu đãi gì đáng kể.
Thoát thân từ nền kinh tế “bao cấp”, Nhà nước độc quyền trong nhiều lĩnh vực, động lực thúc đẩy kinh tế của nước ta chủ yếu dồn vào “nhanh, nhiều” mà thiếu “tốt, rẻ”. Do vậy, trình độ công nghệ của cả nền kinh tế nói chung và riêng đối với DNNN, chủ đạo, lại được độc quyền “một mình một sân”, không có đối thủ cạnh tranh, thì trình độ khoa học công nghệ thường ở mức thấp so với các khu vực kinh tế khác.
Trình độ công nghệ của DNNN thường thấp so với các doanh nghiệp ở những khu vực kinh tế khác
So sánh giữa các khu vực kinh tế, tốc độ phát triển khoa học công nghệ trong trong thời gian gần đây ở DNNN thấp hơn so với khu vực doanh nghiệp dân doanh và càng xa với khu vực FDI.
Không riêng gì DNNN, phải thừa nhận rằng, việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp nước ta thua kém hơn nhiều nước trong khu vực, ở ta chỉ có 2% sử dụng công nghệ hiện đại, trong khi mức độ sử dụng công nghệ hiện đại tại Thái Lan là 30%, Malaysia 51% và Singapore 73%.
Công nghệ cao đóng góp cho xuất khẩu ở ta chỉ chiếm 7%, trong khi con số này ở Thái lan là 30%, Trung quốc 27%, Singapore 57%; xét về sản phẩm, công nghệ cao ở Việt nam chỉ đóng góp 21%, trong khi Thái Lan hơn ta 1,5 lần, Singapore hơn ta 3,5 lần.
Do đó, đòi hỏi sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp nước ta phải ngày càng thay đổi, đa dạng để kịp phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của cuộc sống. Và các DNNN phải là các doanh nghiệp đi đầu trong việc này, phát huy vai trò kích thích, dẫn dắt và định hướng thị trường…
Ngoài ra, Nhà nước phải tạo ra một môi trường cạnh tranh vì ở đâu có cạnh tranh ở đấy có động lực cho sự phát triển. Nhà nước cần tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Một ví dụ rõ nhất là ngành Bưu chính Viễn thông, chỉ cần có sự cạnh tranh giữa một vài DNNN với nhau mà chất lượng dịch vụ viễn thông thay đổi hàng ngày, giá cả dịch vụ viễn thông giảm nhanh... Một trong những yếu tố làm nên điều này là nhờ thay đổi, cặp nhật được công nghệ tiên tiến; trong khi đó ngành lĩnh vực Bưu chính thì “chết”, không thể cạnh tranh nổi với những hãng xe liên tỉnh, những công ty chuyển phát nhanh tư nhân.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Gia Hảo nhận định rằng: DNNN nếu muốn tồn tại và vẫn được gắn cho mình vai trò “chủ đạo” thì phải nhanh chóng thay đổi, hoạt động hiệu quả hơn các doanh nghiệp ở khu vực kinh tế khác bằng cách trang bị cho mình những hiểu biết khoa học, có được những công nghệ tiên tiến, phù hợp hơn, sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư.
Mai Phương
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/4: Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới về điện gió
-
[Infographic] Diễn biến giá vàng tuần qua (14/4-20/4)
-
[E-Magazine] Giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong các quý tiếp theo?
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện