EVN dồn lực đầu tư các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm
![]() |
EVN giữ vững trục vận hành hệ thống điện quốc gia
Trong tháng 6/2025, EVN đã đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn cho các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đặc biệt là phục vụ hai kỳ thi quan trọng: tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT quốc gia. Tính chung 6 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 155,79 tỷ kWh, trong đó có ngày đạt đỉnh lên tới 1,04 tỷ kWh, công suất lớn nhất ghi nhận ở mức 51.672 MW.
Cơ cấu huy động nguồn điện tiếp tục phản ánh rõ nét xu thế chuyển dịch và tối ưu vận hành: Nhiệt điện than vẫn giữ vai trò trụ cột với sản lượng 84,6 tỷ kWh, chiếm 54,3%; Thủy điện đóng góp 36,5 tỷ kWh (23,4%), đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn đầu mùa mưa; Năng lượng tái tạo chiếm 13,5%, trong đó điện mặt trời đạt 13,63 tỷ kWh và điện gió đạt 6,71 tỷ kWh; Tua bin khí và điện nhập khẩu lần lượt đóng góp 6,6% và 2,1%.
Sản lượng điện truyền tải ước đạt 124,7 tỷ kWh, với công suất truyền tải qua giao diện Bắc - Trung đạt gần 4.000 MW và Trung - Nam đạt trên 5.600 MW. Đây là các trục huyết mạch đóng vai trò điều phối dòng điện liên vùng quan trọng.
Đặc biệt, EVN đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Trong 6 tháng qua, Lãnh đạo Tập đoàn trực tiếp kiểm tra hiện trường, đôn đốc tiến độ hàng loạt dự án trọng điểm, chủ động tháo gỡ vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục pháp lý tại các địa phương.
Tập đoàn đã khởi công 2 dự án nguồn điện lớn: Thủy điện tích năng Bác Ái và Thủy điện Trị An mở rộng; Khởi công 80 công trình và hoàn thành đóng điện 124 công trình lưới điện từ 110kV đến 500kV, gồm các dự án quy mô như đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ, 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, trạm 220kV Phú Bình 2.
Nhiều dự án mới đã được phê duyệt chủ trương đầu tư như các trạm 500kV Quỳnh Lưu, Ninh Sơn, đường dây 220kV Lào Cai - Than Uyên, Long Biên - Mai Động, Hải Phòng - Gia Lộc…
Các dự án này đều nằm trong danh mục ưu tiên của Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đóng vai trò then chốt trong tăng cường kết nối hệ thống và phát triển năng lượng tái tạo.
Đẩy mạnh cải cách tổ chức, chuyển đổi số
EVN tiếp tục triển khai đồng bộ công tác tái cơ cấu doanh nghiệp. Trong 6 tháng qua, Tập đoàn đã tinh gọn bộ máy Công ty mẹ - EVN, giảm số lượng ban/văn phòng và kết thúc hoạt động 2 đơn vị hạch toán phụ thuộc. Thành lập Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch trực thuộc EVN, chuẩn bị tiếp nhận, vận hành Nhiệt điện Quảng Trạch I. Phê duyệt đề án sắp xếp 09 Tổng công ty; tổ chức lại các Công ty Điện lực phù hợp với mô hình hành chính mới từ 01/7/2025.
EVN cũng đã chỉ đạo các đơn vị điện lực hoàn tất việc cập nhật địa giới hành chính mới trong quản lý dữ liệu, đảm bảo không gián đoạn dịch vụ khách hàng, hóa đơn, thanh toán và hỗ trợ qua tổng đài, trực tuyến.
Một điểm sáng nổi bật là chuyển đổi số và phát triển khoa học - công nghệ. EVN đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá KHCN và chuyển đổi số quốc gia.
![]() |
Tập đoàn đã hoàn tất xây dựng 26 hệ thống phần mềm dùng chung, hình thành 12 kho dữ liệu chuyên ngành phục vụ các lĩnh vực cốt lõi: từ khách hàng, đo đếm điện năng, đầu tư xây dựng đến quản lý nhà thầu, giá vật tư thiết bị...
EVN cũng chuyển đổi thành công hạ tầng công nghệ thông tin theo mô hình hành chính mới, tích hợp hệ thống quản lý thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẵn sàng kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là nền tảng quan trọng để đẩy mạnh số hóa toàn diện hoạt động điều hành, quản trị và chăm sóc khách hàng.
Không chỉ giữ vai trò đầu tàu trong bảo đảm năng lượng, EVN còn tiên phong trong hoạt động an sinh xã hội. Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã đóng góp khoảng 69,3 tỷ đồng cho các chương trình xã hội. Tiêu biểu là việc tài trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát tại nhiều địa phương với tổng kinh phí lên đến 44,8 tỷ đồng.
Tăng tốc cho mục tiêu năm 2025 và chuẩn bị cho 2026
Trong tháng 7 và các tháng tiếp theo, EVN xác định nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về đảm bảo đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt; Xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm 2026; Đẩy nhanh ứng dụng AI, BigData, tự động hóa vào hoạt động vận hành và kinh doanh; Phối hợp triển khai đồng bộ dữ liệu khách hàng và điều hành với Trung tâm Dữ liệu quốc gia.
Với khí thế và kết quả 6 tháng đầu năm, EVN đang từng bước hiện thực hóa vai trò quan trọng của hệ thống năng lượng quốc gia trong thời đại chuyển đổi số và phát triển bền vững. Không chỉ là nhà cung cấp điện, EVN còn đang là đầu mối kiến tạo hạ tầng năng lượng tương lai, nền tảng cho tăng trưởng xanh và an toàn năng lượng quốc gia.
Bước vào cao điểm mùa mưa, EVN đã phối hợp với Công ty Vận hành HTĐ và TTĐ Quốc gia (NSMO) xây dựng kịch bản vận hành hệ thống: Khai thác tối ưu các hồ thủy điện đa mục tiêu tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam; Đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện, đặc biệt tại các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc.
Tổng công ty Truyền tải tăng cường độ khả dụng hệ thống, giảm thiểu sự cố lưới điện. Các công ty điện lực phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tuyên truyền tiết kiệm điện, đảm bảo an toàn lưới tại khu dân cư.
Song song đó, EVN tiếp tục thúc đẩy tiến độ các công trình chào mừng 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, trong đó có các dự án lớn như: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I, đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, đấu nối Nhơn Trạch 3-4, nâng công suất các trạm 500kV Lai Châu, Hòa Bình, Việt Trì...
Diệu
-
EVNNPT triển khai thi công Dự án Trạm biến áp 500kV Thái Bình và đường dây đấu nối
-
EVN dồn lực đầu tư các dự án nguồn và lưới điện trọng điểm
-
Hạ đặt thành công Rotor tổ máy số 1 Thủy điện Hòa Bình mở rộng
-
Ngành điện chỉ còn 35 công ty điện lực cấp tỉnh, thành phố
-
EVNNPT: Giải pháp phát triển nhanh, bền vững và đột phá trong kỷ nguyên số