Mở đợt cao điểm toàn quốc ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

08:41 | 16/05/2025

111 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025, yêu cầu mở đợt cao điểm toàn quốc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đợt cao điểm diễn ra từ ngày 15/5 đến 15/6/2025.

Hành động quyết liệt của người đứng đầu

Theo Công điện, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần quan trọng ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người dân, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và tăng thu ngân sách. Nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sữa, thuốc và thực phẩm giả. Bộ Công an đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ và xử lý một số vụ án lớn liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, quy mô ngày càng rộng, đối tượng vi phạm tinh vi hơn, gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, lòng tin của Nhân dân và trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, cần sự tham gia đồng bộ, thường xuyên của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân.

Mở đợt cao điểm toàn quốc ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện yêu cầu mở đợt cao điểm toàn quốc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại…

Đợt cao điểm lần này được triển khai trên phạm vi toàn quốc nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Đây là hành động tiếp theo chuỗi công điện số 40, 41 và 55 của Thủ tướng về xử lý các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến sữa, thuốc và thực phẩm giả.

Tổ công tác thực hiện đợt cao điểm do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thông tấn báo chí chủ lực và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Các cơ quan báo chí được giao tăng cường truyền thông về kết quả của đợt cao điểm, biểu dương các mô hình hiệu quả, đồng thời phản ánh, phê phán những biểu hiện tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng nhận diện tổ chức, cá nhân nghi vấn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Quá trình đấu tranh cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động cấp phép, kiểm định, lưu thông hàng hóa; xử lý nghiêm hành vi tiếp tay, bao che, tiêu cực, tham nhũng theo tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Bên cạnh đó, cần đánh giá các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, những bất cập trong quy định pháp luật, cơ chế quản lý mà các đối tượng đã lợi dụng để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự.

Bộ Quốc phòng được giao chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển tăng cường tuần tra, kiểm soát tại biên giới, vùng biển, ngăn chặn tình trạng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, đảm bảo an ninh, an toàn các khu vực trọng điểm.

Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, nhất là trên các nền tảng thương mại điện tử. Từ kết quả kiểm tra, Bộ cần đánh giá những sơ hở trong pháp luật để đề xuất hoàn thiện thể chế, đặc biệt là Luật Thương mại điện tử.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan nâng cao năng lực nghiệp vụ, thu thập thông tin, phối hợp phát hiện, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận xuất xứ, trốn thuế, vận chuyển hàng cấm.

Bộ Y tế đẩy mạnh kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán thuốc và dược phẩm; yêu cầu các nhà khoa học, đơn vị quản lý cam kết không quảng cáo sản phẩm khi chưa có đủ căn cứ pháp lý, xử lý nghiêm hành vi quảng cáo gian dối, phóng đại công dụng thuốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm soát lâm sản, thủy sản, vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng.

Bộ Khoa học và Công nghệ được giao rà soát, bổ sung quy định pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường số và thương mại điện tử; kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi công bố, quảng cáo sai sự thật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu bổ sung chế tài đối với các tổ chức, cá nhân, nghệ sĩ lợi dụng uy tín cá nhân để quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao thành lập tổ công tác địa phương do Chủ tịch UBND làm Tổ trưởng; đồng thời chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan xử lý triệt để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tại địa bàn.

Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu thực hiện chế độ báo cáo nhanh về các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp trong đợt cao điểm, gửi về Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn, lành mạnh cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Xử lý hơn 5.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mai trong 4 tháng

Liên quan đến công tác kiểm soát hải quan, Cục Hải quan cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa và hàng giả vẫn diễn biến rất phức tạp. Tuyến đường biển chiếm tỷ trọng lớn nhất với 52,8% số vụ vi phạm, chủ yếu qua các cảng quan trọng như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM. Các hành vi vi phạm phổ biến là khai sai tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá, mã số và xuất xứ.

Mở đợt cao điểm toàn quốc ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Tính đến đầu tháng 5/2025, lực lượng hải quan đã phát hiện, xử lý 5.206 vụ vi phạm với trị giá hàng hóa ước tính hơn 10.331 tỷ đồng. Số tiền thu nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm đạt hơn 347 tỷ đồng; 34 vụ án đã được chuyển cơ quan chức năng để khởi tố (Ảnh minh họa).

Hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, ngoại tệ, vàng qua đường hàng không có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trên tuyến đường bộ, việc buôn bán, vận chuyển pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn tại các tỉnh miền Trung và khu vực biên giới Việt - Lào. Tình trạng vận chuyển hàng không có hóa đơn, chứng từ, nhất là thực phẩm đông lạnh, hàng tiêu dùng, thuốc lá… cũng tiếp tục diễn biến phức tạp tại các địa bàn giáp ranh Việt - Trung và Việt - Campuchia.

Tính đến đầu tháng 5/2025, lực lượng hải quan đã phát hiện, xử lý 5.206 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 10.331 tỷ đồng. Số thu nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm đạt hơn 347 tỷ đồng; đã chuyển cơ quan chức năng khởi tố 34 vụ án.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, trong thời gian tới, ngành hải quan sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, phù hợp với tình hình thực tế. Trọng tâm là đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, vàng, ngoại tệ và hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Để chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, Cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 3362/KH-CHQ và tổ chức tập huấn cho các đơn vị triển khai. Đồng thời, yêu cầu công tác kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu phải được thực hiện nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Trường hợp nghi ngờ hoặc có cảnh báo, cơ quan hải quan sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình, cung cấp hồ sơ và thực hiện các bước xử lý theo quy định.

Đình Khương