Tin tức kinh tế ngày 21/4: Giá vàng vọt tăng
![]() |
Giá vàng vọt tăng ở cả thị trường trong nước và thế giới
Chiều 21/4, giá vàng trong nước chứng kiến mức tăng tại các tất cả các thương hiệu lớn. Trong khi đó, giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao nhất mọi thời đại khi đạt mức 3.393,3 USD/ounce chiều bán ra.
Cụ thể, vàng SJC tăng 4 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều, với giá mua vào đạt 116 triệu đồng/lượng và giá bán ra ở mức 118 triệu đồng/lượng. Tương tự, vàng DOJI tại Hà Nội và Sài Gòn đều ghi nhận mức tăng 4 triệu đồng/lượng, nâng giá mua vào lên 116 triệu và giá bán ra lên 118 triệu đồng/lượng.
Vàng Bảo Tín Minh Châu SJC cũng tăng 4 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều, đưa giá mua vào lên 116 triệu và bán ra lên 118 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng Phú Quý SJC có mức tăng tương tự, với giá mua vào đạt 115,5 triệu đồng/lượng, tăng từ 111,5 triệu, và giá bán ra tăng từ 114 triệu lên 118 triệu đồng/lượng.
Hơn 1,25 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành
FiinGroup vừa công bố Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 3/2025, cho thấy tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành tính đến cuối tháng 3 đạt hơn 1,25 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 0,3% so với tháng trước, đánh dấu tháng sụt giảm thứ tư liên tiếp.
Điểm sáng trong tháng là hoạt động phát hành mới bắt đầu sôi động trở lại, với khối lượng phát hành đạt 17,2 nghìn tỷ đồng, trong khi tháng 2 hoàn toàn không có đợt phát hành nào.
Tuy vậy, áp lực đến từ lượng trái phiếu đáo hạn tăng vọt trong tháng 3, gấp đôi tổng giá trị đáo hạn của hai tháng đầu năm cộng lại. Đồng thời, giá trị trái phiếu được mua lại cũng ghi nhận mức tăng mạnh 109%. So với cùng kỳ năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ 2,7%.
Xuất khẩu đến ngày 15/4 đạt gần 120 tỷ USD
Theo số liệu thống kê mới nhất của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), 15 ngày đầu tháng 4/2025, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 16,75 tỷ USD. So với kỳ trước (nửa cuối tháng 3/2025), xuất khẩu giảm 18,3%. Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/4, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 119,62 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ 2024.
Về nhập khẩu, dữ liệu thống kê của ngành Hải quan ghi nhận kim ngạch đạt 18,69 tỷ USD 15 ngày đầu tháng 4/2025. Lũy kế đến giữa tháng 4, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 118,35 tỷ USD, tăng 16,68% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 4 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến ngày 15/4 đạt 237,97 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, cán cân thương mại thặng dư 1,27 tỷ USD.
Quý I/2025, thu ngân sách nhà nước tăng 29%
Bộ Tài chính thông tin về tình hình thực hiện dự toán NSNN tháng 3 và quý I/2025 cho thấy, tổng thu NSNN thực hiện tháng vừa qua đạt 189,7 nghìn tỷ đồng, bằng 9,6% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 161,2 nghìn tỷ đồng, bằng 9,7% dự toán; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 24 nghìn tỷ đồng, bằng 10,2% dự toán.
Tổng thu NSNN lũy kế 3 tháng đạt 721,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% dự toán, tăng 29,3% so cùng kỳ năm 2024. Trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 35% dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 38,4% dự toán.
Xuất khẩu sầu riêng đối mặt thách thức
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong ba tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 521,2 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong quý I/2025, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh, chủ yếu do hoạt động xuất khẩu sầu riêng bị ảnh hưởng bởi một số quy định mới từ thị trường này.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cho biết Trung Quốc tiêu thụ 91% sầu riêng toàn cầu, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan nhưng đang tìm kiếm các nguồn cung cấp mới, trong đó có Lào.
Đáng chú ý, tỉnh Attapeu của Lào đã chính thức cấp quyền khai thác đất cho 3 công ty trong nước để trồng sầu riêng trên diện tích hơn 273 ha, thời hạn 30 năm.
P.V (t/h)