Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/12/2022
![]() |
Mức giảm nhu cầu khí đốt toàn cầu trong năm 2022 ước tính khoảng 65 tỷ m3. Ảnh minh họa: NNN.news |
Gazprom ước tính nhu cầu khí đốt toàn cầu giảm 65 tỷ m3
Phát biểu tại một cuộc họp cuối năm của Gazprom ngày 28/12, người đứng đầu tập đoàn này - ông Alexei Miller - cho biết mức giảm nhu cầu khí đốt toàn cầu trong năm 2022 ước tính khoảng 65 tỷ m3. Khoảng 55 tỷ m3 trong số này rơi vào 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Theo ông Miller, 2022 là một năm khó khăn trong bối cảnh thị trường năng lượng trải qua những biến động lớn. Ông nhấn mạnh những gì diễn ra từ đầu năm nay được mô tả là những biến động cực độ. Mặc dù vậy, quan chức Gazprom nhận định mức tiêu thụ khí đốt toàn cầu sẽ tăng 20% trong 20 năm tới.
Người đứng đầu Gazprom cũng cho biết thêm rằng trong bối cảnh này, Gazprom đã suy nghĩ về tương lai, các dự án mới và an ninh năng lượng nói chung. Xét riêng về Gazprom, trong năm 2022 tập đoàn xuất khẩu 100,9 tỷ m3 khí đốt, giảm 46% so với năm 2021.
Nhật Bản lần đầu nhập dầu Nga sau nửa năm
Nhật Bản chuẩn bị nhập khẩu lô hàng dầu thô đầu tiên từ Nga kể từ tháng 5, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai. Lô hàng được đặt mua bởi Taiyo Oil. Công ty có kế hoạch chia lô hàng này để bốc dỡ tại hai bến Kikuma và Namikata.
Dù Nhật Bản cùng với các đồng minh phương Tây khác trừng phạt Nga vì cuộc xung đột Ukraine, nước này không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt với dầu mỏ và khí đốt. Chính phủ Nhật cho biết dự án xuất khẩu Sakhalin-2 của Nga là nguồn cung cấp khí hóa lỏng chính của đất nước. Việc sản xuất và nhập khẩu dầu cũng là cần thiết để hoạt động ổn định.
Lô hàng này được vận chuyển sau khi Moskva cấm xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga cho người mua nước ngoài tuân theo chính sách áp giá trần của phương Tây. Nhưng từ tháng trước, Nhật Bản đã cho biết các lô hàng từ dự án Sakhalin-2 sẽ được miễn trừ áp giá trần.
Châu Phi có thể sản xuất 1.000 tỷ EUR hydro xanh mỗi năm
Trung tâm Hỗ trợ quyết định và thông tin của Chính phủ Ai Cập (IDSC) dẫn một nghiên cứu được hỗ trợ bởi Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) khẳng định, châu Phi có tiềm năng sản xuất hydro xanh hàng năm trị giá 1.000 tỷ EUR vào năm 2035, điều này cho phép châu Phi xuất khẩu nhiên liệu và thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương.
Theo đó, nhờ khai thác nguồn năng lượng mặt trời dồi dào nhất thế giới, một số quốc gia trên lục địa châu Phi có thể sản xuất nhiên liệu bằng cách chiết xuất hydro từ nước nhờ năng lượng tái tạo, với chi phí 1kg dưới 2 EUR vào năm 2030.
Nghiên cứu cũng dự báo, Ai Cập sẽ là nhà sản xuất hydro xanh lớn nhất với sản lượng 20 triệu tấn/năm, đứng thứ 2 là nhà máy đặt tại Nam Phi với 17,5 triệu tấn, trong khi trung tâm nằm ở giữa Morocco và Mauritania có thể đóng góp 12,5 triệu tấn. Khoảng một nửa tổng sản lượng hydro xanh của châu Phi có thể được xuất khẩu, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Người Đức loay hoay vì giá khí đốt cao
Ngày 28/12, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu của Đức Robert Habeck nhận định, người tiêu dùng tại Đức sẽ phải chịu tình trạng giá khí đốt duy trì ở mức cao trong một năm tới do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Ông Robert Habeck cho biết: “Tôi hy vọng rằng, mọi thứ sẽ được cải thiện vào cuối năm 2023, tới thời điểm đó người tiêu dùng sẽ vẫn phải chịu mức giá cao”. Tuy nhiên, sau giai đoạn đó khi cơ sở hạ tầng của Đức đủ năng lực để nhập khẩu lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) thay thế cho lượng khí đốt đến từ Nga thì giá khí đốt có thể được điều chỉnh.
Để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt của Đức, các trạm LNG đang được xây dựng để tạo cơ sở hạ tầng cho việc nhập khẩu. Vào giữa tháng 12, địa điểm vận hành trạm chứa và chuyển hóa khí đốt (FSRU) đầu tiên của nước này đã chính thức được vận hành tại Wilhelmshaven.
Czech đạt 84% công suất dự trữ cả nước
Bộ trưởng Công Thương Czech Jozef Sikela ngày 28/12 thông báo, dự trữ khí đốt của nước này đã tăng thêm 42 triệu m3 kể từ cuối tuần trước nhờ thời tiết ấm hơn. Tổng lượng khí đốt dự trữ của Czech hiện đạt 2,917 tỷ m3, tương đương 84% công suất dự trữ cả nước.
Theo ông Sikela, mức tiêu thụ khí đốt của Czech hiện thấp hơn 20% so với mùa sưởi ấm năm ngoái và nước này đang hướng tới mục tiêu tiết kiệm 800 triệu m3 khí đốt. Trong tuần áp chót năm 2022, mức tiêu thụ khí đốt của quốc gia Trung Âu này thấp hơn gần 25% so với mức trung bình 3 năm, trong khi đó nhiệt độ trung bình hàng ngày cao hơn 0,6 độ C.
Cũng theo Bộ trưởng Công Thương Czech, nhờ mức tiêu thụ thấp hơn đáng kể, trong khi lượng dự trữ lớn và nguồn cung LNG đảm bảo, giá khí đốt ở châu Âu đang bị đẩy xuống dưới ngưỡng 80 Euro (khoảng 85 USD)/MWh.
Nhà điều hành Nord Stream 2 được hoãn phá sản
Một tòa án ở Thụy Sĩ đã đình chỉ thủ tục phá sản đối với nhà điều hành đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) trong sáu tháng nữa cho đến ngày 10/7/2023. Thông tin này được tòa án công bố trên Công báo Thương mại Thụy Sĩ ngày 28/12.
Nord Stream 2 đã được hoàn tất trọn vẹn và sẵn sàng ra mắt vào tháng 9/2021, nhưng quy trình chứng nhận cho hệ thống đường ống này đã bị trì hoãn và cuối cùng bị Đức chặn vào đầu tháng 2 năm nay, do vướng lệnh trừng phạt của Mỹ. Sau khi 11 tỷ USD đã được rót cho việc việc xây dựng Nord Stream 2, giờ đây đường ống không hoạt động và nhà điều hành đang vật lộn để tránh rơi vào tình cảnh phá sản.
Đây là lần thứ ba Tòa án Zug Cantonal ở Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở chính của Nord Stream 2 AG, đã cho công ty gia hạn thời gian tạm hoãn tái cơ cấu nợ, đây là khoảng thời gian mà các chủ nợ không thể thu tiền từ công ty. Giờ đây, nhà điều hành đường ống dẫn khí đang mắc nợ có thêm 6 tháng nữa để chống phá sản theo luật Thụy Sĩ.
![]() |
![]() |
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/4: EU chuẩn bị công bố chiến lược năng lượng mới
-
Giá dầu hôm nay (22/4): Dầu thô tăng trong phiên
-
Tin tức kinh tế ngày 21/4: Giá vàng vọt tăng
-
Tin thị trường: Giá dầu thế giới hôm nay trở lại sắc đỏ