Cuộc thi sáng tác “Dấu ấn Petrovietnam”

Tác phẩm Ký sự “Tôi là Gấu lớn"

tăng
a a
giảm
In bài viết
Tác phẩm “Tôi là Gấu lớn” dự thi Cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, Ký sự, Thơ “Dấu ấn Petrovietnam” của tác giả Nguyễn Võ Hiển thuộc Tạp chí Năng lượng Mới - PetroTimes.

Tôi không phải là con tàu, cũng không là pháo đài. Tôi là giàn khoan, một khối thép khổng lồ trụ vững giữa trùng khơi. Cách bờ gần 300 cây số, nơi mà sóng cao bằng nóc nhà và gió biển như roi quất không ngừng. Nhưng đừng gọi tôi là máy móc vô tri. Tôi có nhịp tim, là tiếng máy phát, tiếng bơm dầu, tiếng điều áp nổ vang suốt ngày đêm. Tôi có hơi thở, là luồng khí, luồng dầu được rút lên từ lòng đất sâu hơn 3.000m. Và tôi có ký ức, dài như sóng biển, sâu như đáy đại dương.

Tác phẩm Ký sự “Tôi là Gấu lớn
“Tôi” là "Gấu lớn'

Linh hồn của giàn khoan

Tôi là một giàn khoan dầu khí ngoài khơi, sừng sững giữa Biển Đông, nơi những con sóng không bao giờ ngủ yên. Tôi không được sinh ra từ lòng đất mẹ, nhưng tôi lớn lên từ những mối hàn, từng vòng bu-lông siết chặt, từ mồ hôi mặn chát của những kỹ sư trẻ. Tôi đến từ giấc mơ lớn của một dân tộc nhỏ, giấc mơ tìm “vàng đen” giữa đại dương để dựng xây kinh tế nước nhà và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Được chế tạo năm 1975, tôi là một phần của thỏa thuận mua lại mỏ Đại Hùng - một mỏ dầu có số phận kỳ lạ, được Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) mua lại quyền khai thác với giá tượng trưng 1 USD. Để hiểu được ngọn ngành, phải trở về tháng 4-1993, thời điểm Hợp đồng dầu khí PSC Lô 05-1A mỏ Đại Hùng được ký kết và tiến hành thăm dò, khai thác với nhiều nhà thầu đa quốc gia như Petronas Carigali Overseas (Malaysia), Total (Pháp), BHPP (Australia), Đại Hùng Oil Development (Nhật Bản) và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

Có lần, tôi nghe ông Nguyễn Văn Vĩnh, nguyên Trưởng nhóm phụ trách tại Cuộc Dầu hỏa của Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản (chính quyền Sài Gòn cũ) kể lại rằng, ông Peter Gelpke, Tổng Giám đốc Mobil định đặt tên giếng là Big Bear (Gấu Lớn), sau được ông khuyên chuyển thành “Đại Hùng”, vừa giữ nguyên tinh thần ban đầu, vừa mang đậm bản sắc Việt.

“Đại Hùng” không chỉ là bản dịch đơn thuần, mà còn gợi nhắc đến chòm sao Ursa Major (Gấu Lớn), biểu tượng định hướng trên biển của các thủy thủ phương Bắc, gắn liền với hình ảnh sự dẫn đường giữa đại dương bao la. Và “Đại Hùng” không chỉ đơn thuần là tên một mỏ dầu, mà còn thể hiện ý chí làm chủ biển khơi của người Việt, cùng niềm tin mãnh liệt vào tầm vóc to lớn của mỏ dầu khí này trong hành trình phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa Biển Đông.

Tác phẩm Ký sự “Tôi là Gấu lớn

Những năm đầu, khi được kéo ra biển bằng những tàu kéo cồng kềnh, tôi hồi hộp như đứa trẻ lần đầu rời khỏi nhà. Trước mặt là vực sâu, sau lưng là đất mẹ. Nhưng tôi không đơn độc. Có cậu kỹ sư trẻ, lần đầu bước chân lên boong, run rẩy leo lên đỉnh flare. Vài năm sau, chính cậu là người đề xuất thay đổi toàn bộ hệ thống kiểm soát áp suất, nâng cấp hiệu suất xử lý khí. Và chú bếp già, trong thế giới đầy tiếng máy, mùi dầu và mồ hôi, đã mang đến mùi cơm nóng như sợi dây kết nối con người với đất liền. Có cái Tết nọ, chú gói bánh chưng bằng lá dong chuyển ra từ đất liền, mọi người quây quần cạnh nồi bánh như bên bếp nhà. Tôi không biết Tết là gì, nhưng ngày ấy, tôi thấy mình được ăn Tết.

Ngày tôi đến mỏ Đại Hùng, thân còn mùi dầu máy, lưng là một rừng sắt thép, nhưng tim đã bắt đầu đập theo nhịp tim của những người con đất Việt. Đó không phải là một ngày thường, là một ngày sóng dữ, gió lớn như thể muốn thử thách tôi và những người Việt vận hành tôi. Nhưng tôi đã đứng vững. Giếng 2X - giếng dầu đầu tiên do người Việt khoan ở vùng nước sâu đã trào lên. Dầu đen, nóng, mùi ngai ngái… nhưng đó là mùi của thành công, mùi của chủ quyền, mùi của phát triển mỏ dầu khí Đại Hùng - một trong những mỏ lớn và khó khai thác nhất lúc bấy giờ, thể hiện năng lực kỹ thuật, bản lĩnh, quyết tâm làm chủ ngành dầu khí của Việt Nam trong giai đoạn đầu phát triển.

Trước đó, khi tôi về đến Vũng Tàu, chưa ai từng nghĩ Việt Nam có thể làm chủ hoàn toàn một giàn khoan nước sâu. Tôi đến từ nơi công nghệ tiên tiến, nhưng xa lạ. Họ - những kỹ sư Việt Nam - đã tìm hiểu từng con ốc, từng hệ thống điều khiển, như một học trò lần đầu mở cuốn sách phức tạp của biển khơi. Nhưng họ không sợ, không một ai lùi bước. Không ai còn gọi tôi là “giàn khoan cũ”. Tôi là cột mốc sống động giữa trùng khơi. Là hiện thân của một khát vọng làm chủ biển sâu bằng trí tuệ Việt Nam.

Tác phẩm Ký sự “Tôi là Gấu lớn
Tôi lo lắng khi đợt giá dầu giảm, anh em phải đổi ca bằng tàu dịch vụ, chạy suốt 20 tiếng trên biển, tôi đón anh em bằng cánh tay dài cheo leo

Tôi được đưa vào khai thác mỏ Đại Hùng từ thập niên 90 của thế kỷ XX, thời điểm ngành dầu khí Việt Nam còn chập chững, còn phải đi vay từng mét ống, từng cánh tay công nghệ. Nhưng những người Việt từ Liên doanh Vietsovpetro, PVEP, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC), đã vượt mọi thách thức biến tôi thành cánh tay nối dài của Tổ quốc trên biển.

Mỏ Đại Hùng có tiềm năng lớn nhưng nằm trong vùng nước sâu, xa bờ, với địa chất phức tạp, tầng áp suất cao và khí độc hydrogen sulfide có thể làm ăn mòn mọi kim loại. Cái tên “Đại Hùng” từng khiến nhiều kỹ sư nước ngoài phải e ngại, nhưng với người Việt Nam, nó là lời thách thức.

Khi mới vận hành, tôi như một đứa trẻ khổng lồ học cách bước đi. Các kỹ sư phải thức trắng đêm để hiệu chỉnh từng hệ thống điều khiển, từng van, từng đầu bơm. Có lần, tôi bị nghẽn dòng khí hồi lưu, lỗi có thể dẫn đến dừng giàn. Một kỹ sư trẻ đã chui vào đường ống kiểm tra, môi anh tái nhợt, mồ hôi nhễ nhại, nhưng ánh mắt lại sáng rực niềm tin. Tôi cảm nhận được hơi thở anh phả lên thành thép, như đang tiếp sức sống cho tôi.

Những ngày đó, tôi bắt đầu hiểu: tôi không chỉ là sắt thép, tôi còn là niềm kiêu hãnh.

Tôi làm việc 24/7. Mỗi chu kỳ khoan kéo dài hằng tuần, mỗi mét khoan là một cuộc đấu trí. Khi mũi khoan gặp đá cứng, tôi rung chuyển. Khi gặp túi dầu, dòng “vàng đen” phụt lên, áp lực hàng nghìn psi, tôi rung lên nhưng vui sướng. Tôi biết, từng thùng dầu tôi mang lên là một phần máu thịt tiếp thêm sinh khí cho đất liền.

Tác phẩm Ký sự “Tôi là Gấu lớn
Thành viên HĐTV Petrovietnam Trần Hồng Nam cùng Tổng Giám đốc PVEP Nguyễn Thiện Bảo và CBCNV PVEP-POC đón dòng dầu đầu tiên tại Dự án Phát triển mỏ Đại Hùng giai đoạn 3

Tôi từng đối mặt với bão số 9 năm 2006, cơn bão lớn nhất trong thập niên ấy. Gió giật cấp 14, sóng cao như tòa nhà 6 tầng. Tôi chao đảo, rền rĩ dưới áp lực khủng khiếp. Nhưng họ - những người lính biển - không rời bỏ tôi. Họ buộc chặt dây, kiểm tra từng thanh chống, giữ cho tôi đứng vững. Sau ba ngày địa ngục, mặt trời lên. Tôi trầy xước, nhưng vẫn đứng. Họ vui mừng, ôm tôi như người đồng đội vừa thoát chết. Tôi hiểu ra: đứng giữa biển không chỉ cần thép tốt, mà cần tình người mạnh hơn sắt đá.

Tôi từng chứng kiến nhiều lớp người. Có người trẻ, mới vào ngành, ánh mắt sáng rực như ánh đèn cao áp buổi tối ngoài boong. Có người già, tóc điểm sương, kể chuyện về Bạch Hổ, Rồng, Rạng Đông…, những mỏ dầu khác cũng mang tên rực rỡ như lý tưởng. Nhưng mỗi khi họ đặt chân lên tôi, mọi khoảng cách tuổi tác, vùng miền, chức vụ… đều tan biến. Chỉ còn lại một danh xưng duy nhất: người thợ dầu khí.

Đôi khi, trong đêm giông, tôi nghe họ trò chuyện. Có người kể về đứa con mới biết lẫy. Người khác khoe vợ vừa gửi ảnh mâm cơm cuối tuần. Những khoảnh khắc ấy, giữa máy móc ồn ào và mùi dầu nồng, lại ấm áp lạ kỳ. Tôi hiểu, tôi là mái nhà thứ hai, dập dềnh nhưng bền vững.

Tác phẩm Ký sự “Tôi là Gấu lớn
Thường xuyên có lãnh đạo đến thăm chúng tôi, nhất là những ngày Tết lúc ấy tôi thấy các anh trên giàn rất vui, tất bật chuẩn bị như đón người thân về nhà

Đã nghĩ đến dừng khai thác

Có thời gian, giếng dầu cạn dần, người ta bàn chuyện dừng khai thác. Tôi nằm im giữa biển, không hoạt động, thân xác vẫn sừng sững nhưng lòng lạnh buốt. Tôi tự hỏi: liệu đã đến lúc mình trở thành phế tích?

Nhưng rồi điều kỳ diệu đã đến. Tôi - Đại Hùng 01, đã từng được bán với giá 1 USD. Xin nhắc lại là 1 USD, rẻ hơn cả một bữa ăn vội giữa ca trực. Có người gọi đó là cái giá của thất vọng, của từ bỏ. Nhưng với tôi, đó là cái giá của sự khởi đầu, một khởi đầu đầy bản lĩnh và lòng kiêu hãnh Việt Nam.

Những người đã xây nên tôi từng tin rằng, tôi sẽ không bao giờ hoạt động hiệu quả. Các công ty nước ngoài đã bỏ đi, để lại cả mỏ Đại Hùng và tôi như một cuộc chơi lỗ vốn. Khi họ đóng sổ, rút giàn, họ nghĩ rằng mọi thứ đã kết thúc.

Nhưng người Việt Nam không nghĩ vậy. Lãnh đạo Petrovietnam không nhìn thấy đống sắt thép xuống cấp, họ nhìn thấy cơ hội từ đống hoang tàn. Một cơ hội không chỉ để vực dậy một mỏ dầu, mà để chứng minh rằng người Việt Nam không chỉ biết làm thuê, không chỉ biết đi sau, mà hoàn toàn có thể tự chủ khai thác những gì thuộc về mình, ở ngay những vùng biển sâu, phức tạp, khó nhằn nhất.

Tôi là cỗ máy khổng lồ với hàng nghìn chi tiết cấu tạo phức tạp nhưng bị đánh giá là già, là yếu. Nhưng họ không nản. Họ khoan thẩm lượng lại giếng 14X, 15X, thử giếng 9X. Họ soi từng cáp điện, từng ống dẫn, từng sensor điều khiển và không bỏ cuộc khi gặp lỗi. Không có hãng nào đứng sau bảo hành, không có đối tác ngoại nào hỗ trợ vận hành, chỉ có người Việt với nhau, dựa vào nhau mà làm. Tất cả các công việc từ quản lý, vận hành khai thác đến các hoạt động sản xuất khác trên giàn đều do người Việt Nam thực hiện, không còn phải thuê chuyên gia ngoại. Tôi trở thành một trong những giàn khai thác đầu tiên được người Việt Nam tiếp quản, vận hành và khai thác hoàn toàn, đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của ngành dầu khí Việt Nam.

Không chỉ là nơi khai thác, tôi là một mốc son trong hành trình chinh phục Biển Đông của ngành dầu khí Việt Nam. Từ tôi, những thùng dầu đầu tiên ở mỏ Đại Hùng đã được khai thác ở độ sâu hơn 3.000m, nơi mà chỉ vài quốc gia trên thế giới từng chạm tới. Tôi đánh dấu bước ngoặt: người Việt đã làm chủ công nghệ khoan khai thác ngoài khơi sâu, một lĩnh vực mà trước đó chúng ta phải phụ thuộc nước ngoài.

Tôi đã cùng các thế hệ kỹ sư Việt Nam đi qua bao giai đoạn thăng trầm: từ những ngày đầu học làm chủ công nghệ, đến khi tự tin cải tiến, thiết kế, tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí hàng chục triệu USD cho quốc gia. Những thiết bị từng phải mua từ châu Âu, Mỹ, nay các kỹ sư Việt đã tự thiết kế, lắp đặt, bảo trì trên chính thân tôi.

Hơn 20 năm, tôi đã đón hàng nghìn lượt kỹ sư, công nhân, nhà khoa học. Họ đến với tôi khi còn non trẻ, rụt rè trong từng thao tác kỹ thuật, lúng túng giữa biển trời. Nhưng rồi từng người trong số họ lớn lên, trưởng thành, không chỉ về chuyên môn mà cả nhân cách.

Tôi dạy họ sự kiên nhẫn, khi một ca trực kéo dài hàng chục giờ giữa biển khơi, trong tiếng ồn và bao quanh là sắt, thép. Tôi dạy họ tính kỷ luật, khi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả không tưởng. Tôi dạy họ làm việc nhóm, vì ở nơi này, không ai có thể đơn độc. Nhưng trên hết, tôi dạy họ yêu nghề, một thứ tình yêu không màu mè, mà cốt lõi và bền vững như chính thân tôi, vững giữa biển sâu.

Tôi là một mốc son trong hành trình chinh phục Biển Đông của ngành dầu khí Việt Nam. Tôi đánh dấu bước ngoặt: người Việt đã làm chủ công nghệ khoan khai thác ngoài khơi sâu, một lĩnh vực mà trước đó chúng ta phải phụ thuộc nước ngoài.

Sợ bị lãng quên vì chuyển dịch năng lượng

Tôi từng sợ bị quên lãng. Khi ngành dầu khí bắt đầu chuyển mình sang năng lượng tái tạo, khi điện gió mọc lên từ biển khơi, tôi thấy mình như một người lính già giữa những chàng lính trẻ đang lên đường. Nhưng họ nói: “Đại Hùng vẫn là điểm tựa. Khi chuyển dịch năng lượng, cần có sự ổn định và không ai ổn định hơn giàn khoan này”. Và thực tế, hiện nay, PVEP, Petrovietnam đã triển khai nhiều dự án tại cụm mỏ Đại Hùng, đến giai đoạn 3 và tiếp đến, có thể là giai đoạn 4, 5…

Tôi được trao sứ mệnh mới. Giờ đây, ngoài khai thác dầu khí, tôi được tích hợp cảm biến địa chất hiện đại, hỗ trợ nghiên cứu môi trường đáy biển, giám sát biến đổi khí hậu khu vực Biển Đông. Tôi trở thành nơi thử nghiệm công nghệ đo khí metan tự nhiên, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải toàn cầu. Tôi được kết nối vào hệ thống chuyển đổi số ngành dầu khí. Từng rung động, từng dòng dữ liệu từ các thiết bị trên tôi được truyền về trung tâm điều hành đất liền. Tôi không chỉ là một “giàn khoan già”, mà là một phần của hệ sinh thái công nghiệp 4.0 giữa đại dương.

Có những đêm tôi không ngủ. Tôi nhớ những người đã từng ở đây. Có người chuyển công tác, có người về hưu, có người không trở lại nữa. Mỗi ô lan can, mỗi vết trầy trên sàn, mỗi dòng chữ khắc bằng bút sơn trên ống thép là ký ức. Họ từng gọi tôi là nhà. Dưới bầu trời sao, giữa tiếng máy rền vang, họ ngồi với nhau, ăn bữa cơm Tết xa nhà, cắt tóc cho nhau, đánh cờ, ca vọng cổ. Họ mang theo giọng nói quê hương, từ Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa… mang mùi nước mắm, mùi khô cá, mùi cà phê đá. Những điều nhỏ bé ấy làm nên tinh thần Việt Nam giữa trùng khơi.

Tôi là Gấu Lớn, là Đại Hùng 01, tôi không chỉ là giàn khoan. Tôi là biểu tượng của niềm tin. Là tiếng nói thầm lặng giữa Biển Đông rộng lớn. Tôi vẫn đang làm việc, vẫn nghe nhịp tim mình hòa cùng nhịp sống đất nước. Dù ngày mai năng lượng có chuyển hóa ra sao, tôi vẫn đứng đây, như một cột mốc không lời, như một bài thơ thép giữa sóng ngầm, biển dữ.

Tôi đã cùng các thế hệ kỹ sư Việt Nam đi qua bao giai đoạn thăng trầm: từ những ngày đầu học làm chủ công nghệ, đến khi tự tin cải tiến, thiết kế, tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí hàng chục triệu USD cho quốc gia.

Nguyễn Hiển

Cùng chuyên mục

[VIDEO] Hành trình viết nên kỳ tích của Đại Hùng pha 3

Tác phẩm Ký sự “Chuyện về một ‘chiến binh công nghệ’ ở Phú Mỹ”

Tác phẩm “Chuyện về một ‘chiến binh công nghệ’ ở Phú Mỹ” dự thi Cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, Ký sự, Thơ “Dấu ấn Petrovietnam” của tác giả Vũ Thị Thu Thủy thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
[VIDEO] Hành trình viết nên kỳ tích của Đại Hùng pha 3

Tác phẩm Ký sự “Có một ‘đôi mắt xanh’ ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ”

Tác phẩm “Có một ‘đôi mắt xanh’ ở Nhà máy Đạm Phú Mỹ” dự thi Cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, Ký sự, Thơ “Dấu ấn Petrovietnam” của tác giả Vũ Đình Khôi thuộc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo).
[VIDEO] Hành trình viết nên kỳ tích của Đại Hùng pha 3

Tác phẩm Ký sự “MSP10 - Niềm tin từ thép, khát vọng từ tim”

Tác phẩm “MSP10 - Niềm tin từ thép, khát vọng từ tim” dự thi Cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, Ký sự, Thơ “Dấu ấn Petrovietnam” của tác giả Bùi Trọng Huy thuộc Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển, Liên doanh Vietsovpetro.
[VIDEO] Hành trình viết nên kỳ tích của Đại Hùng pha 3

Tác phẩm Ký sự “Chuyện những người ‘thắp sáng’ Biển Đông”

Tác phẩm “Chuyện những người ‘thắp sáng’ Biển Đông” dự thi Cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, Ký sự, Thơ “Dấu ấn Petrovietnam” của tác giả Mai Văn Thắng thuộc Văn phòng Hội Cựu chiến binh Vietsovpetro.
[VIDEO] Hành trình viết nên kỳ tích của Đại Hùng pha 3

Tác phẩm Ký sự “Tháng năm tươi đẹp”

Tác phẩm “Tháng năm tươi đẹp” dự thi Cuộc thi sáng tác Truyện ngắn, Ký sự, Thơ “Dấu ấn Petrovietnam” của tác giả Vũ Thị Việt Vân thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Giếng khoan Dầu khí PVD (PVD Well Services), Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling).